Giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp nhỏ

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) Quốc gia, hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang có xu hướng giảm. Vì vậy, việc đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xem là động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn.

Giảm thuế TNDN còn 15 - 17%

Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch về việc triển khai Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DNNVV, trong đó có 5 nội dung liên quan tới các giải pháp về thuế TNDN. Theo đó, sẽ có 2 phương án được Bộ Tài chính đưa ra để xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Cụ thể, phương án 1 áp dụng thuế suất phổ thông 17% từ ngày 1/1/2016 đến hết năm 2020 cho DNNVV; phương án 2 áp dụng thuế suất phổ thông 15% từ ngày 1/1/2016 đến năm 2020. Hiện nay, mức thuế phổ thông đang áp dụng là 20%.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc giảm thuế đối với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nói: “Nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ huy động thuế/GDP càng giảm xuống. Trước đây, có thời điểm thuế TNDN lên đến 32% GDP, sau đó giảm 28% và hiện là 20%, xu hướng tới có thể tiếp tục được điều chỉnh giảm. Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì không thay đổi, mức thuế cơ bản là 10%, mức ưu đãi là 5% (mức thuế GTGT của Trung Quốc là từ 13 - 17%).

“Như vậy nhiều loại thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa chi phí tính thuế và chi phí thực đã ngày càng thu hẹp. Đây là động lực rất lớn để các doanh nghiệp, nhất là các DNNVV phát triển sản xuất kinh doanh”, bà Cúc nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty Tư vấn và đại lý thuế Công Minh, việc giảm thuế TNDN cho DNNVV sẽ giúp doanh nghiệp có động lực tồn tại và phát triển. Cộng đồng DNNVV có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến xã hội khi giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho phần lớn lao động trong xã hội nên mức thuế giảm cần đủ để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đánh giá về đề xuất này, đại diện Công ty cổ phần TDME chia sẻ: Doanh nghiệp sẽ giảm bớt những áp lực về tài chính và có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như trang trải các chi phí cho doanh nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp và phấn đấu có khoảng 1 triệu doanh nghiệp trong vài năm tới. Nếu chính sách này được Quốc hội phê chuẩn, thuế suất thuế TNDN sẽ giảm đáng kể so với mức hiện hành.

Tạo chính sách nuôi dưỡng nguồn thu

Theo tính toán của Bộ Tài chính, 2 phương án về giảm thuế TNDN dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020 nhưng sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh đó, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

“Chính sách giảm thuế sẽ là sự động viên, khuyến khích thiết thực để doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đây là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Bởi nếu áp thuế suất quá cao, doanh nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý trốn tránh dẫn đến tình trạng thất thu thuế”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico nói. Còn ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thế kỷ lại cho rằng: Về ngắn hạn, nguồn thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng nhưng lâu dài thì số thuế thu được vào ngân sách sẽ tăng do sẽ có thêm doanh nghiệp thành lập mới.

Thuế suất TNDN giảm sẽ có tác động tốt cho doanh nghiệp nhưng một số chuyên gia tài chính cũng băn khoăn: Nếu thuế TNDN giảm từ 20% xuống 15%, thậm chí 10% sẽ chỉ có ý nghĩa với những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi. Trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9%). Vì thế, cùng với chính sách miễn thuế TNDN cần có hướng giải quyết để các doanh nghiệp gặp khó khăn trụ được để kinh doanh có lãi, được nộp thuế TNDN và hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN. Về phía doanh nghiệp thì phải giảm được chi phí.

“Với sức ép cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc doanh nghiệp tăng giá bán hàng hóa, sản phẩm là rất khó. Do vậy, ngoài việc doanh nghiệp phải tự tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của mình thì Nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường”, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh phân tích.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế suất thuế TNDN là cần thiết để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế dù có thể sẽ làm giảm nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, phần giảm thu này sẽ tăng tương ứng phần vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, từ đó giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

“Cùng với giảm thuế, ngành thuế cần phải cải cách về cách thức quản lý theo hướng phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Trong cải cách về thuế có 2 vấn đề cần quan tâm là cải cách về thể chế và cải cách về quản lý. Cải cách về thể chế thì chúng ta có thể nghiên cứu, bổ sung, xây dựng chế độ chính sách thuế mới. Nhưng một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là cải cách hệ thống quản lý thuế đó, trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và con người thực hiện”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam



Minh Phương
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn - Bài 1
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn - Bài 1

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hiện nay, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đã tìm được các cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, thiếu vốn và “khát vốn” để mở rộng sản xuất, kinh doanh là tình trạng phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN