Doanh nghiệp nhỏ và vừa chật vật với hội nhập

Với tỷ lệ chiếm từ 95 - 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đối mặt với nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế.

Nhiều rào cản mới

Gần đây, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực (FTA), đặc biệt, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chấp thuận và có hiệu lực, đơn đặt hàng sản xuất và xuất khẩu sẽ đến với doanh nghiệp nhiều hơn. Tuy nhiên, để bước ra sân chơi hội nhập là điều không dễ dàng, nhất là đối với DNNVV.

Sản xuất đồ gỗ tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Phú Quý (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc doanh nghiệp gỗ Phú Thịnh ở tỉnh Bình Định cho biết, trong tỉnh có khá đông doanh nghiệp gỗ vừa và nhỏ chuyên xuất khẩu sản phẩm sang các nước. Gần đây, Việt Nam ký kết nhiều FTA, đặc biệt, khi TPP được chấp thuận và có hiệu lực, đơn đặt hàng sẽ đến với doanh nghiệp nhiều hơn. Để đáp ứng được điều kiện xuất khẩu của đối tác, trong đó có điều kiện rất cao về môi trường, các doanh nghiệp gỗ phải chuyển hướng thuê đất trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phú, giá thuê đất tại các khu công nghiệp khá cao, từ 3 - 4 USD/m2/năm trở lên và phải đóng trước tiền thuê khá nhiều năm nên nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng thừa nhận, để mở rộng xuất khẩu theo các cam kết hội nhập thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe . Ví dụ, với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường thì việc phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu cũng là thách thức lớn. Trước đây, các doanh nghiệp mua nguyên liệu tự do nên giá thấp. Nay phải mua chọn lọc để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thì đương nhiên giá phải tăng lên làm cho giá thành sản phẩm tăng theo.

“DNNVV Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị thế và vai trò đối với nền kinh tế, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, đóng góp hơn 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, hỗ trợ DNNVV phát triển cũng là nhiệm vụ quan trọng để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế”

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

“Nếu nghiên cứu kỹ, trong các hiệp định thương mại tự do, họ yêu cầu rất cao trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, chẳng hạn như nguồn gốc sản phẩm có hợp pháp không. Mà những điểm này chúng ta lại đang cực kỳ yếu. Đây có thể được coi là rào cản lớn với các doanh nghiệp gỗ, nếu không thay đổi khó có thể cạnh tranh được”, ông Quyền phân tích thêm.

Ghi nhận thực tế tại các DNNVV thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu cho thấy, năng lực cạnh tranh còn rất yếu. Hầu hết DNNVV mới chủ động tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thuế, hải quan... mà chưa chú trọng các khâu nghiên cứu thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm hay xây dựng văn hóa doanh nghiệp. DNNVV cũng rất thiếu các thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng... để có chiến lược phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

“Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác. Trong bối cảnh trái phiếu chính phủ phát hành ngày càng lớn về lượng, thì lãi suất vay khó mà giảm xuống, càng làm cho khu vực doanh nghiệp tư nhân không thoát khỏi rào cản này. Cùng với đó, theo kết quả điều tra mới nhất từ phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV đang gặp nhiều vấn đề khó khăn như tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm mặt hàng kinh doanh phù hợp, xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật và hành chính… ”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phân tích.

Cần những chính sách đặc thù

Theo VCCI, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển của DNNVV trên các lĩnh vực như: tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; trợ giúp phát tiển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình hỗ trợ trên thực tế chưa được như mong muốn. Các DNNVV hiện nay phần lớn vẫn đang phải “tự bơi” và chưa được quan tâm đúng mức.

Trước những khó khăn hiện nay, nhiều ý kiến đồng tình quan điểm, cần có những chính sách đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân và các DNNVV. Theo Hội DNNVV, hỗ trợ cho doanh nghiệp này phải nhìn trên tính đặc thù thì việc hỗ trợ mới thiết thực. Đặc thù của khối DNNVV là vốn ít và trình độ quản lý kém, không thể chuyên nghiệp như các công ty lớn. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ cũng phải phù hợp doanh nghiệp mới hấp thụ được. Trong đó, DNNVV rất cần tạo động lực phát triển từ cơ chế chính sách, nhất là về tiếp cận nguồn vốn, đất đai… để tăng sức cạnh tranh và trở thành động lực cho phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng cần được hỗ trợ tốt và thông thoáng hơn từ phía cơ quan Nhà nước. Để hỗ trợ cho các DNNVV, Hiệp hội DNNVV cũng cho rằng, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cũng rất cần được ưu tiên vì luật hiện hành có rất nhiều quy định phức tạp. Điển hình, DNNVV cần có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư, vay vốn ở các tổ chức tín dụng... Đồng thời, nên loại bỏ các quy định và cắt giảm những loại phí, lệ phí giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải có một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có DNNVV nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận với doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực mà các DNNVV đang gặp nhiều phiền hà như bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, hải quan, lao động… Cần cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong đó, cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng là các DNNVV. Cần cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh cũng là cách hiệu quả để giảm bớt và xóa bỏ các chi phí không chính thức mà các DNNVV đang phải gánh chịu. Quá trình xây dựng chính sách cần mang tính hệ thống, có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành cũng như cả Trung ương và địa phương. Cần tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời những mong muốn và nhu cầu thực sự của các DNNVV.

Hiện nay, các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN phát triển DNNVV giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, APEC rất nỗ lực xóa bỏ các rào cản thương mại cho DNNVV tại châu Á - Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội giao thương mới để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để tạo chuyển biến thực chất cho việc hỗ trợ DNNVV, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, theo VCCI, Việt Nam đã xác định nhu cầu cần thiết xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo luật này trong năm 2016.
Thu Hường
Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay hội nhập
Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay hội nhập

Thời gian qua, Chính phủ đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, mở ra con đường hội nhập thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN