Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn - Bài 1

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hiện nay, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đã tìm được các cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, thiếu vốn và “khát vốn” để mở rộng sản xuất, kinh doanh là tình trạng phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay.

DOANH NGHIỆP “NGÓNG” VỐN


70% doanh nghiệp không vay được vốn

Vifoco là doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu ở tỉnh Bắc Giang. Qua gần 10 năm hoạt động và phát triển, Vifoco hiện có một nhà máy chuyên chế biến nông sản xuất khẩu đi thị trường Nga. Năm 2015 do tích cực xúc tiến các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông... Vifoco đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được những thị trường này, Vifoco phải đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Vifoco cho biết, đang lập hồ sơ xin vay vốn khắp nơi để đầu tư mở rộng sản xuất, tranh thủ cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Việt Xanh (Ninh Bình) cũng đang nóng ruột chờ quy trình giải ngân của Quỹ phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hoàn thiện để được giải ngân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thứ hai. Theo ông Nghĩa, vốn của quỹ đến sớm cho doanh nghiệp ngày nào sẽ giúp Việt Xanh khởi công nhà máy sớm ngày đó.

Chế biến dưa chuột bao tử xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Vifoco Bắc Giang.

Tuy nhiên, cả Giám đốc Vifoco cũng như Việt Xanh cho biết, việc vay vốn vô cùng khó khăn. Đã có thời kỳ, doanh nghiệp phải vay tín dụng “đen” trả tiền mua nguyên liệu, nhân công, thuê nhà xưởng để sản xuất.

Hiện tại, Vifoco đã gửi hồ sơ xin vay vốn đến Quỹ phát triển DNNVV (Bộ KH&ĐT). Được tiếp nhận hồ sơ, nhưng cán bộ quỹ cho hay, phải chờ… vài tháng nữa mới có quy trình giải ngân. “Chờ nhưng tôi rất thiếu yên tâm, bởi năm 2009, dù là doanh nghiệp lập hồ sơ sớm nhất ở tỉnh và đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định đủ điều kiện vay vốn - nguồn vốn hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ trong gói tín dụng chống suy giảm kinh tế. Nhưng cuối cùng Vifoco vẫn bị bật ra ngoài vì Agribank thông báo đã giải ngân hết vốn”, ông Việt cho biết.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, theo khảo sát của hiệp hội, trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay, có tới 70% doanh nghiệp không thể vay được vốn của ngân hàng vì rất nhiều lý do, trong đó cơ bản nhất là không có tài sản để thế chấp.
Cần sự đồng hành hơn nữa của ngân hàng

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, có tới 40% doanh nghiệp trong hiệp hội than rằng, dù có dự án khả thi nhưng không có tài sản thế chấp, đến ngân hàng họ cũng… lắc đầu. Điều này thực sự gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không thể trách ngân hàng khắt khe. Vì bản chất của ngân hàng cũng là kinh doanh - kinh doanh vốn. Hơn nữa, kinh doanh tiền tệ là loại có điều kiện đặc biệt nên ngân hàng phải đặt an toàn vốn lên hàng đầu, hiệu quả lợi nhuận đứng thứ hai.

Qua thẩm định và giải ngân cho 94.000 khách hàng là DNNVV, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, bên cạnh yếu tố cơ bản là DNNVV không có tài sản thế chấp, điều khiến các ngân hàng quan ngại khi thẩm định để cho vay là trình độ quản lý vốn của DNNVV rất hạn chế, khả năng lập dự án, cân đối tài chính của doanh nghiệp thiếu khả thi, chưa nói đến quá trình sau đó là quản trị nhân lực, sản xuất. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp đã có quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, đã vượt qua điểm hòa vốn, ngân hàng mới cho vay.

Đồng ý với đánh giá chung là DNNVV còn hạn chế nhiều mặt, nhưng ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng, nếu như có tới 40% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phải có thế chấp là khó khăn nhất, thì chính điều này là dư địa để các ngân hàng nghiên cứu giải pháp khai thác. Bởi trong 40% doanh nghiệp này, ngân hàng có thể tìm ra các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, dự án khả thi. Để tìm ra các nhân tố có thể hỗ trợ, ngân hàng cần củng cố lực lượng cán bộ tín dụng đủ sức, đủ tầm đánh giá được doanh nghiệp, tính hiệu quả của dự án, giúp doanh nghiệp thiết kế lại dự án cho minh bạch, tính khả thi cao lên. Có cùng đồng hành như vậy, vốn mới đến được các DNNVV, khi vốn cho vay được nhiều và hiệu quả, ngân hàng cũng phát triển tốt.

Bài cuối: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn
Xuân Hương
Tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Bốn tháng đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Hải Phòng đạt 3.088 tỷ đồng, tăng 14 tỷ, tỷ lệ tăng 0,5% đạt 87% kế hoạch năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN