Tiếp tục rà soát chế độ chi
Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu NSNN sau nửa năm vẫn chưa đạt được 50% dự toán. Tổng thu NSNN 6 tháng qua đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán và chỉ tăng được 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong khi đó, tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm đã lên tới 562,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi ngân sách trong 6 tháng đã lên tới 85,6 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách sụt giảm đáng kể do nhiều nguyên nhân khách quan thì các khoản chi vẫn không ngừng tăng mạnh, vượt xa số thu. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Tình trạng thu không đủ bù chi đã diễn ra nhiều năm nay là thách thức không nhỏ trong việc cân đối NSNN. Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, siết chặt kỷ luật ngân sách, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, đặc biệt các khoản cho khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài... là những giải pháp cần thực hiện nghiêm túc, nhằm giảm dần tỷ lệ bội chi.
“Ngoài các giải pháp dài hạn là tăng thu ngân sách, siết chặt kỷ luật tài chính, quan trọng nhất cần tinh giản biên chế, giảm bớt bộ máy hành chính cồng kềnh, không cần thiết và nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức”.
TS Nguyễn Trí Hiếu |
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết: “Ngân sách khó khăn không phải do thu ngân sách kém bởi năm nào thu ngân sách cũng vượt dự toán. Vấn đề ở chỗ chi ngân sách cũng vượt dự toán dẫn đến thu không đáp ứng nhu cầu chi tăng mạnh. Đặc biệt, số chi thường xuyên những năm gần đây tăng rất nhanh trong cơ cấu ngân sách, do đội ngũ hưởng lương từ ngân sách ngày càng tăng”.
Theo ông Ánh, đối với chi đầu tư, bên cạnh tình trạng đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lãng phí còn tồn tại bất cập trong quản lý. Mặc dù Bộ Tài chính là cơ quan điều hành ngân sách, chịu trách nhiệm về tài chính quốc gia nhưng trong lập dự toán hằng năm, một mảng lớn trong chi ngân sách là chi đầu tư phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng; nguồn chi được đưa vào cân đối chung của ngân sách. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc có hai cơ quan cùng tham gia quy trình ngân sách sẽ nảy sinh nhiều bất lợi. Thực tế cho thấy, dự toán chi cho nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA) hàng năm cho đầu tư rất thấp, nhưng khi quyết toán giải ngân cuối năm thường cao hơn nhiều, gây mất cân đối cho NSNN.
Trước tình trạng này, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là phải siết chặt kỷ luật ngân sách, kỷ cương tài chính, chấm dứt chi vượt dự toán. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại hệ thống thụ hưởng ngân sách, bởi hiện rất nhiều đơn vị đang được hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động của đơn vị. "Về nguyên tắc, đơn vị đó không cần ngân sách hỗ trợ, nhưng họ vẫn “xin”. Rà soát và tách khỏi chi ngân sách nhóm đối tượng này sẽ tiết kiệm được khoản chi rất lớn. Bên cạnh đó, còn một lượng không nhỏ tài sản nhà nước đang được các cơ quan, tổ chức nắm giữ và sử dụng sai mục đích. Nếu được rà soát, tổ chức và khai thác hiệu quả, đây cũng sẽ là nguồn mang lại khoản thu lớn cho ngân sách", ông Vũ Đình Ánh chia sẻ.
Quyết tâm thu hồi nợ đọng
Tại Hội nghị sơ kết Bộ Tài chính mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kiên quyết nhấn mạnh các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng thu để có nguồn chi và cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chi trong khả năng cho phép; kiên quyết bố trí khoán thu và thu hồi nợ đọng. Dư địa cắt giảm các khoản chi “vô bổ” vẫn còn nhiều. “Địa phương nào không đạt chỉ tiêu thu năm nay thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, tránh việc thu không đủ chi lại xin Trung ương. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dư địa để tiết kiệm chi, giảm các khoản chi không cần thiết, như khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Tổng cục Thuế, đến nay, tổng nợ đọng thuế vẫn duy trì ở ngưỡng 75.000 tỷ đồng, không ít địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm ngoái. So với dự toán thu ngân sách, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang để tình trạng nợ đọng thuế chiếm tới hơn 20% tổng thu. Có 19 địa phương thuộc diện "bất thường" có tổng nợ đọng tới hiện tại tăng hơn 30% so với cuối năm 2015 như: An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đà Nẵng...Thậm chí với riêng Thái Bình, tỷ lệ nợ thuế đã chiếm gần một nửa (45%) dự toán thu ngân sách. Điều này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn là bất bình thường vì nếu so với dự toán thu năm nay của NSNN là hơn 1 triệu tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ đọng thuế đang chiếm khoảng 7,5% dự toán. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này ở mức khoảng 5% thu ngân sách.
Lý giải nguyên nhân này, ngành thuế cho rằng một phần do giai đoạn những năm 2007 - 2008 và năm 2012, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bắt buộc phải chậm nộp thuế. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp vì lý do này khác đã tìm mọi cách “lách” thuế. Chỉ riêng tại Hà Nội thời gian qua đã có 17 trường hợp phải chuyển cơ quan công an vì những đối tượng này đang chịu cưỡng chế nợ thuế nhưng vẫn tiếp tục thành lập pháp nhân mới.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu ngành thuế thời gian tới phải thực hiện kiểm tra nội bộ, thanh kiểm tra việc nợ thuế của các cục thuế được coi là bất bình thường nói trên, làm sao để kéo về mức bình thường. Ngành thuế phải có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp để nghiên cứu cụ thể từng khoản nợ và công việc phải làm, chỉ ra từng địa chỉ cụ thể, những ai phải làm gì, bao giờ xong và định kỳ có báo cáo giám sát.