Tại buổi tọa đàm, đội ngũ cán bộ kỹ thuật các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng nông nghiệp, cán bộ khuyến nông và gần 200 lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác canh tác lúa, nông dân nòng cốt trên địa bàn tỉnh An Giang được các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình canh tác, quản lý dịch hại trên cây lúa, nhằm vệ sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 10/5/2023 toàn tỉnh An Giang đã xuống giống Vụ Đông Xuân 2022 - 2023 với diện tích 229.303 ha/228.926 ha đạt 100,16 % kế hoạch; lúa phát triển giai đoạn mạ (102.232 ha), đẻ nhánh (109.305 ha), làm đòng (16.540 ha) và trổ (1.226 ha).
Trước tình hình thời tiết bất thường, nắng nóng, chiều và tối có mưa sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm và rầy phấn trắng… có điều kiện phát sinh và phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ sản xuất theo liên kết vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng. Đến nay, các doanh nghiệp chỉ triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân vụ Đông Xuân 2022 - 2023 thông qua các hợp tác xã/tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 40.958 ha đạt 27,80% so với diện tích kế hoạch (kế hoạch là 147.350 ha chiếm 64,48% diện tích xuống).
Cùng với đó, tỷ lệ các diện tích sản xuất đạt các tiêu chuẩn và có chứng nhận chất lượng vẫn còn khá thấp so với tổng diện tích sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa bền vững, các địa phương vẫn còn chuyển đổi theo phong trào chưa tuân theo quy hoạch tổng thể, diện tích cây ăn trái nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và liên kết với doanh nghiệp,…
Để sản xuất lúa vụ thắng lợi, đảm bảo nông dân có lời, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang Nguyễn Văn Hiền lưu ý nông dân, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác cần ưu tiên đầu tư phát triển kỹ thuật canh tác cũng như các biện pháp quản lý các đối tượng dịch hại để giảm chi phí, nâng cao chất lượng hạt gạo, dễ tiêu thụ và tăng lợi nhuận sau thu hoạch.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Như Pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam khá thành công nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật thế giới vào điều kiện cụ thể của từng vùng để phát triển và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản: hồ tiêu, hạt điều (thứ nhất), gạo và cà phê (thứ 2),...
Đặc biệt, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam có một bước tiến vượt bậc từ một nước thiếu lương thực đã chuyển qua xuất khẩu lúa gạo đứng hàng thứ hai thế giới; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 90%. Về năng suất lúa gạo, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4 chỉ sau Mỹ, Nhật và Trung Quốc; về sản lượng, Việt Nam đứng hàng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh.
Tuy nhiên, tay nghề của bà con nông dân - lực lượng sản xuất chiếm đa số ở Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có An Giang) lại chưa ngang tầm với những vị thế trên. Hàm lượng chất xám tạo nên giá trị gia tăng trong nông sản làm ra chưa cao, chi phí sản xuất cao do kỹ thuật canh tác chưa tiên tiến, sử dụng phân bón, nông dược cao ảnh hưởng đến môi trường sống nên chưa mang tính bền vững…
Mặc dù xuất khẩu nông sản Việt Nam thời gian qua liên tục tăng trưởng, nhưng lại bộc lộ những yếu kém trong quy trình sản xuất; nhất là trong khâu sử dụng giống, phân bón, nông dược, chưa chú trọng đầu tư kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch và an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến chất lượng hàng hóa chưa cao. Vì thế nhà nông vẫn còn rất bấp bênh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long như thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn đã gây ra thất thu hàng trăm ngàn ha lúa ở các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Bạc Liêu, cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long..
Tiến sĩ Vũ Như Pháp khẳng định, bên cạnh cải thiện năng suất, chất lượng cần sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do đó, việc phát triển kỹ thuật canh tác lúa bền vững là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để có một vụ mùa bội thu, Tiến sĩ Vũ Như Pháp khuyến cáo nông dân cần thực hiện việc vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa ít nhất từ 2 - 3 tuần trước khi chuẩn bị gieo sạ; chủ động phòng ngừa ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, né khô hạn, quản lý nước và tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón phù hợp và hiệu quả,… nhằm giảm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng phát triển và năng suất cây lúa.
Bên cạnh đó, nông dân cần phải sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gạo ngon được thị trường chấp nhận, chống chịu tốt với hạn, mặn, phèn và một số sâu bệnh chính, năng suất cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng canh tác, như: OM16, OM48, OM49, OM52, OM 6976, OM 5451, Jasmine 85, Đài thơm 8, nhóm ST, nếp CK, nếp An Giang, ... giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá cả cũng như mức độ thiệt hại do sâu, bệnh nếu có.
“Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là ngập mặn, khô hạn, nắng nóng, xì phèn... Vì vậy, việc chọn giống phải đáp ứng khả năng thích nghi với những biến đổi của thời tiết khắc nghiệt, có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày như MTL560, OMCS2000, OM 5451,… để bố trí mùa vụ né mặn, hạn, phèn. Không nên trồng quá 2 vụ/năm, giúp đất có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi dinh dưỡng” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ Tiến sĩ Vũ Như Pháp nhấn mạnh.