Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững

Chiều ngày 15/12, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức hội thảo quốc tế "Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững".

Chú thích ảnh
Bà Brigitte Heuser, chuyên gia Dự án SIPPO (Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thuỵ Sỹ) chia sẻ tại hội thảo.

Các báo cáo tham luận tại hội thảo cho thấy, ngành dệt may đang đóng góp 2,4 nghìn tỷ USD cho ngành sản xuất toàn cầu, tuyển dụng 300 triệu người trên toàn thế giới trong chuỗi giá trị. Ngành cũng chịu trách nhiệm đối với khoảng 2% - 8% lượng khí thải nhà kính trên thế giới.

Ngoài ra, ngành dệt may tiêu thụ 215 nghìn tỷ lít nước/năm, chịu trách nghiệm về thiệt hại vật chất với số tiền 100 tỷ USD do chưa tận dụng hết công suất và chiếm xấp xỉ 9% tổn thất vì nhựa hàng năm đổ xuống các đại dương.

Một số kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, hành vi người tiêu dùng thay đổi khiến các doanh nghiệp chuỗi cung ứng truyền thống mất chỗ đứng. Còn mạng lưới chuỗi cung ứng trong tương lai của ngành dệt may cần một hệ thống lõi được số hóa và cổng cung ứng tích hợp để điều phối toàn bộ đối tác, dịch vụ, sản phẩm. 

Theo phân tích của bà Brigitte Heuser, chuyên gia dự án SIPPO (Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ), hiện nay yêu cầu của người mua tập trung vào những từ khóa quan trọng như bền vững về mặt xã hội, môi trường, kinh tế; số hóa chuỗi cung ứng; giảm chi phí vận chuyển; minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Hay đối với bông trồng bền vững thì sự minh bạch rất quan trọng bởi ngày càng nhiều nhãn hàng có các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, sự nhất quán chuỗi cung ứng và nguyên liệu.

Do đó, ngành dệt may cần chuyển đổi thành chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững thông qua nhiều sáng kiến, quy định mới để thúc đẩy tính bền vững và tuần hoàn. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhằm đạt được tổng hóa học xanh cũng như đáp ứng những đòi hỏi công nghệ đổi mới - năng lượng thấp, công nghệ nhuộm vải không dùng nước, giải pháp tái chế chất thải...

Ngành dệt may toàn cầu cũng đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt hướng tới chuỗi cung ứng bền vững hơn; trong đó, nhà phân phối, bán lẻ và thương hiệu toàn cầu đang ngày càng xem tính bền vững là cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh của họ và yêu cầu nhà cung cấp, đơn vị sản xuất đảm bảo duy trì tuân thủ quy định của nhãn hàng.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham quan gian hàng nguyên phụ liệu dệt may bên lề hội thảo. 

Hơn thế nữa, số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng mức đòi hỏi nhãn hàng thời trang phải duy trì trách nhiệm xã hội và môi trường đối với sản phẩm. Điều này cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi và trở thành những xu hướng mới có sức ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trên toàn cầu; trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát triển công nghiệp dệt may còn đi đôi với việc không di dân về những thành phố lớn, giữ gìn an ninh trật tự ở các địa phương. 

Trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Ngành dệt may Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với 55 mặt hàng chủ lực. Việt Nam cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2023 đạt từ 47 - 48 tỷ USD. 

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cùng đó, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch VITAS, Trưởng ban Phát triển bền vững cho biết, dự kiến trong năm 2023, VITAS sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách với cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp dệt may phát triển nhanh và mạnh hơn. Đồng thời,  tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may với những chuyên gia, công nghệ, vốn...

Ở góc độ chuyên gia, bà Hoàng Ngọc Ánh, Quản lý dự án của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững IDH tại Việt Nam cho hay, Chương trình Khu công nghiệp dệt may bền vững - INSTEP là một cách tiếp cận hợp tác để đẩy mạnh sản xuất hàng dệt may bền vững thông qua mạng lưới khu công nghiệp. Từ đó, Chương trình tiếp cận nhiều nhà máy và các cơ sở chung với những đánh giá, can thiệp giúp giảm tác động môi trường và cải thiện điều kiện làm việc. 

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu sản phẩm thời trang may mặc bên lề hội thảo. 

Khu công nghiệp được xem là đòn bẩy của chuỗi cung ứng để mang lại tác động lớn nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất và cho phép tiếp cận các khu vực bền vững khó tiếp cận, có tác động cao. INSTEP đánh giá khả năng đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng của hầu hết thương hiệu dệt may toàn cầu dựa trên việc đáp ứng tiêu chuẩn về xã hội và môi trường quốc tế. 

Nhằm tiếp sức đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động trong ngành dệt may, INSTEP sẽ làm việc với mạng lưới khu công nghiệp về nâng cao vị thế cạnh tranh, giám sát môi trường và minh bạch dữ liệu; đồng thời, thiết lập những yếu tố này như một điểm đến tìm nguồn cung ứng có rủi ro thấp hơn. Có một điều bắt buộc rõ ràng về mặt kinh tế đối với sản xuất bền vững là ngoài lợi ích xã hội và môi trường, ngành dệt may cần chủ động cải thiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, INSTEP đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới khu công nghiệp hiệu quả, hiệu lực và bền vững về mặt môi trường và xã hội thông qua nâng cao quản trị ngành. Cùng đó, INSTEP còn hỗ trợ cải thiện thông lệ kinh doanh và đa dạng hoạt động kinh doanh đã được chứng minh đối với những dự án ở địa bàn để đạt được hai yếu tố: việc làm tốt hơn và môi trường tốt hơn.

Bài và ảnh: Mỹ Phương  (TTXVN)
Phối hợp xây dựng liên kết chuỗi trong khối dệt may ASEAN
Phối hợp xây dựng liên kết chuỗi trong khối dệt may ASEAN

Sáng 15/12, Liên đoàn Dệt may các nước ASEAN (AFTEX) đã tổ chức Phiên họp Hội đồng lần thứ 48 và Phiên họp toàn thể lần thứ 46 tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch luân phiên AFTEX trong nhiệm kỳ 2023-2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN