Giải pháp nào để 'xóa trắng' cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn nhất cả nước, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng cũng như lợi thế tự nhiên vùng do việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đang vừa thiếu, vừa yếu.

Chú thích ảnh
Ngày 31/5, Báo Thanh Niên đã tổ chức hội thảo “ Xoá trắng cao tốc, phát huy lợi thế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" nhằm tìm ra giải pháp phát triển hệ thống giao thông tại vùng ĐBSCL.

Nhằm tìm ra giải pháp phát triển hệ thống giao thông tại vùng ĐBSCL, sáng ngày 31/5, báo Thanh Niên đã phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức hội thảo “ Xoá trắng cao tốc, phát huy lợi thế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

"Cụm từ "xoá trắng" thể hiện sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Chính phủ trong Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một loạt các Hội nghị triển khai Nghị quyết sau đó. Ngoài ra, cụm từ "xóa trắng" còn thể hiện sự mất cân xứng giữa vai trò, vị trí, tiềm năng và những đóng góp của ĐBSCL và hạ tầng giao thông vận tải", ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết,

Hiện nay ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây. Vì thế, khu vực này còn được gọi là vựa nông sản lớn nhất cả nước. Không chỉ thế, ĐBSCL còn sở hữu chuỗi đảo quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn.

Cụ thể, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 40 km dành riêng cho ô tô với vận tốc 120 km/h khởi công tháng 12/2004, nhưng đến tháng 2/2010, tuyến đường mới hoàn thành để đưa vào hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động, tuyến cao tốc này đã giải phóng con đường độc đạo Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây đã xuống cấp, quá tải và thường xuyên bị ùn tắc. 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ĐBSCL có vị thế, chiến lược vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Chính vì vậy, Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển hạ tầng, từ đường bộ, đường thuỷ, hàng hải và hàng không. Đến nay, đã có nhiều bước phát triển về đường thuỷ và đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay vùng vẫn chưa thực sự phát huy hết thế mạnh, tính kết nối vùng còn hạn chế, nguyên nhân là hệ thống đường bộ cao tốc còn hạn chế. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTV

"Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn là do trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân, do điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên đầu tư xây dựng lớn. Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3 -1,5 lần so với các khu vực khác. Đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế…", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết thêm. 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền, trong đó có ĐBSCL.

Cụ thể, Bộ GTVT đã triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Trong đó, riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc đã hoạch định, đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180 km/9.014 km của cả nước; đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, để hoàn thành hệ thống đường cao tốc trong vùng ĐBSCL giai đoạn 2026-2030, nhu cầu về vốn là rất lớn. Trong đó, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương cần huy động thêm nguồn lực xã hội; các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương. Dự kiến đến hết năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc trong vùng lên khoảng 550 km. Cụ thể, hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến Cần Thơ - Cà Mau với chiều dài 109 km.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội khóa XV chủ trương đầu tư tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188 km. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, dự kiến khởi công trong năm 2023; đồng thời tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (80 km) theo tiêu chuẩn đường cao tốc...

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nhu cầu logistics rất lớn
Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nhu cầu logistics rất lớn

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN