Năm 2023 Đề án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các Đề án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) được giao, chủ trì thực hiện, các nhà khoa học địa chất đã xác định trữ lượng, tài nguyên cát ở một số khu vực tại vùng biển Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị theo tiêu chuẩn quốc gia.
Sử dụng cát biển thay thế cát sông
Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trước tình hình khan hiếm nguồn cung vật liệu san lấp, đắp nền, việc sử dụng cát biển thay thế cát sông đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Giải pháp này là khả thi với điều kiện Việt Nam. Kết quả của đề án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các Đề án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” cho thấy, cát tại khu vực biển từ 0-10m nước tại tỉnh Sóc Trăng, có diện tích khoảng 250 km2, đạt yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5747:1993 (sau khi tách NaCl); đáp ứng được các tiêu chí cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012 (sau khi tách NaCl). Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3. Diện tích được khảo sát này có đủ điều kiện chuyển giao đơn vị khai thác ngay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Báo cáo kết quả Đề án được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đề xuất khu vực có điều kiện khai thác khả thi gồm diện tích 32 km2, có khoáng sản cát làm vật liệu san lấp với hàm lượng tổng cát 86%, tài nguyên cấp 222 là 145 triệu m3, phân bố tại khu vực biển có độ sâu phổ biến 2-5m, cách cửa Định An tính đến biên gần nhất là 20 km. Bộ đề xuất độ sâu khai thác từ 3-4m; phương pháp khai thác có thể sử dụng tàu hút xén thổi cỡ trung bình-nhỏ; vận chuyển bằng xà lan theo luồng hàng hải Định An đến nơi tiêu thụ. Công suất khai thác đề nghị mức 30-50 nghìn m3/ngày; thời gian khai thác liên tục trong 10 ngày và phù hợp nhất từ tháng 3-8 hàng năm.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp, đắp nền rất lớn. Chỉ tính riêng 4 Dự án cao tốc trọng điểm ở đây là cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau; cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh -An Hữu; cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh đã cần tới hơn 56 triệu m3, chưa kể tới nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các Dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư. Do đó, việc cát biển đủ điều kiện kỹ thuật làm vật liệu san lấp, đắp nền là một giải pháp khá hữu hiệu đối với khu vực này thời điểm hiện nay.
Chủ động quan trắc, dự báo những tác động trong tương lai
Tuy nhiên, ông Trần Bình Trọng cũng lưu ý rằng, việc khai thác cát biển theo kịch bản (công suất, độ sâu, thời gian, mùa) tại khu vực nêu trên sẽ tác động nhỏ đến bờ biển, môi trường biển cũng như các hoạt động xói lở, bồi tụ bờ biển. Do đó, trong quá trình khai thác cần tiếp tục cập nhật tham số quan trắc môi trường nước biển để cập nhật mô hình toán hỗ trợ ra quyết định về khu vực, quy mô, độ sâu, công nghệ, thời điểm khai thác, từ đó dự báo được những tác động trong tương lai. Hiện nay, một số quốc gia sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ khai thác cát biển cho Việt Nam như Hà Lan, Vương quốc Anh; qua đó, việc lựa chọn công nghệ phù hợp sẽ tối ưu hơn.
Ông Trần Bình Trọng cũng đánh giá, trữ lượng cát sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đủ khả năng đáp ứng cho giai đoạn tới. Bên cạnh đó, một số giải pháp khác thay thế cát lòng sông làm vật liệu san lấp đắp nền cũng đang cho kết quả khả thi. Điển hình là việc sử dụng đá tự nhiên (cát kết) nghiền, xay (hay còn gọi là giải pháp cát nhân tạo) hoặc đá thải từ quá trình khai mỏ. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp dùng đá thải từ mỏ than xay, nghiền ra thành cát nhân tạo. Việc này vừa giúp giảm khối lượng đất đá thải ở bãi thải mỏ, vừa tái sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản vật liệu trong xây dựng.
Một giải pháp khác cũng được ông Trần Bình Trọng đề cập tới, đó là việc tận thu cát trong quá trình thi công nạo vét lòng hồ, luồng giao thông thủy định kỳ tại các hồ thủy điện, lòng sông theo quy định tại Luật Khoáng sản. Trong quá trình nạo vét, tận thu cát và làm sạch thành cát xây dựng, chủ đầu tư thực hiện đóng tiền quyền khai thác vào ngân sách nhà nước và địa phương. Tại một số địa phương có hồ thủy điện như: Sơn La, Kon Tum..., việc khai thác cát lòng hồ thủy điện thông qua hút bùn cát, nạo vét định kỳ vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên cát trong các lưu vực sông, hồ thủy điện, thủy lợi của Việt Nam.