Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.932,78 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,5%, lên 1.934 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ), nhận định có khả năng tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ tăng cao hơn do việc vận chuyển hàng hóa chậm chạp ở Trung Quốc liên quan đến đợt bùng phát mới dịch COVID-19 cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine, tất cả những yếu tố này đều tích cực đối với vàng.
Giới đầu tư cũng đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất để tìm kiếm manh mối về việc Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới.
Phiên 4/4, chỉ số đồng USD- thước đo giá trị đồng bạc xanh so với giỏ tiền tệ chủ chốt- đã chạm mức cao nhất 1 tuần, hỗ trợ đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tăng mạnh. Điều này đã kìm hãm đà tăng của vàng.
Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý vốn sinh lời này, trong khi lại thúc đẩy đồng USD, vốn là đồng tiền mà vàng được định giá.
Diễn biến mới của tình hình tại Ukraine dường như đã kích thích phương Tây áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, có thể bao gồm cả xuất khẩu năng lượng của nước này.
Cũng trong phiên 4/4, giá bạc giao ngay hạ 0,4%, xuống 24,52 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,1%, xuống 984,49 USD/ounce. Còn giá palladium tiến 0,3%, lên 2.283,78 USD/ounce.
Trong khi đó, tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 5/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,30 – 69,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).