Mở cửa ngày giao dịch, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 68,3 - 69,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra với chốt phiên hôm qua, ở mức 68,15 - 68,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Cùng đó, giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch 31/3 và hướng tới quý tăng cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào giữa năm 2020, giữa bối cảnh giới đầu tư lo ngại về giá tiêu dùng tăng cao và cuộc khủng hoảng Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn.
Vào lúc 1 giờ 38 phút ngày 1/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.942,48 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ kỳ hạn tăng 0,8% và được giao dịch ở mức 1,954 USD/ounce.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của Công ty Môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) cho biết: “Tình hình địa chính trị bất ổn kéo dài một tháng nay và số liệu lạm phát tiếp tục tăng. Do đó, tâm lý chung của thị trường lúc này của các nhà đầu tư là tìm kiếm sự an toàn”. Vàng thường được coi là một kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế.
Số liệu cho thấy mức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ chậm lại rõ rệt trong tháng 2, trong khi áp lực giá cả tiếp tục gia tăng, với mức lạm phát tăng cao đột biến kể từ đầu những năm 1980.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ “bóng gió” về việc tăng mạnh lãi suất trong năm nay để chống lại lạm phát tăng cao, điều mà giới đầu tư lo ngại có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Mặt khác, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trong phiên 31/3 cũng hỗ trợ vàng.