Biểu đồ giá vàng tại một sàn giao dịch vàng ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 24/6. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 8/2016 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) tăng 0,6% lên 1.343,6 USD/ounce. Trong phiên, giá vàng giao ngay đã có thời điểm rơi xuống 1.327,30 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 1/7, trước khi phục hồi về mức 1.342,41 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, khả năng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tung ra thêm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đã làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư. Nhà phân tích Bernard Dahdah thuộc Natixis, nhận định môi trường lãi suất thấp từ các gói nới lỏng định lượng sẽ hỗ trợ giá vàng.
Bên cạnh đó, giá kim loại quý này có thể tiếp tục được hưởng lợi, trước bức tranh kinh tế “mờ mịt” đối với Anh và châu Âu, sau sự kiện Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu rời “ngôi nhà chung” châu Âu, giá vàng đã tăng khoảng 100 USD/ounce.
Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 1,63% xuống 965,22 tấn tính đến ngày 12/7, ghi nhận mức giảm trong một ngày mạnh nhất kể từ ngày 2/12/2015.
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên ngày 13/7 sau báo cáo về lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ và dự trữ các chế phẩm từ dầu mỏ giảm thấp hơn dự đoán càng làm gia tăng những quan ngại về tình trạng dư cung trên toàn cầu.
Cuối phiên này, trên Sàn giao dịch hàng hóa NYMEX (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2016 giảm 2,05 USD xuống 44,75 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Chín được giao dịch ở mức 46,26 USD/thùng, giảm 2,21 USD so với mức đóng phiên hôm 13/7.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng gần 5% hôm 12/7, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nguồn cung dầu dư thừa trên toàn cầu sẽ được thu hẹp trong năm nay và năm 2017 nhờ các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC giảm sản lượng.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) về dự trữ dầu tại nước này đã tác động mạnh đến thị trường năng lượng trong phiên ngày 13/7. Theo đó, lượng dầu tại các kho dự trữ thương mại tại nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này đã giảm khoảng 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/7, nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục, thấp hơn so với mức dự đoán giảm 3 triệu thùng mà các chuyên gia phân tích kỳ vọng. Theo chuyên gia phân tích Carl Larry thuộc Frost & Sullivan, mức giảm này không đủ lớn để làm thay đổi tâm lý quan ngại trên thị trường.
Ngoài ra, dự trữ các chế phẩm từ dầu cũng bất ngờ tăng, trong đó có xăng và các sản phẩm chưng cất như dầu diesel. Sản lượng dầu thô, vốn giảm đều trong những tháng gần đây, đã tăng khoảng 50.000 thùng/ngày trong tuần trước.