Vụ Đông Xuân 2021-2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm lúa thơm, đặc sản như Jasmine 85, ST, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9… chiếm tỷ lệ gần 33,3% tổng diện tích gieo cấy, tăng 11,3% so với Đông Xuân 2020-2021. Nhóm lúa chất lượng cao như: OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976... chiếm tỷ lệ 49,64%, giảm nhẹ gần 3%.
Đặc biệt nhóm lúa chất lượng trung bình như: IR50404, OM576, OC10... còn chiếm tỷ lệ 7,12%, giảm 2,38% so với Đông Xuân 2020-2021. Nhóm lúa nếp cũng giảm mạnh trên 4%, còn chiếm chưa đến 9%.
Tại các tỉnh Đông Nam Bộ nhóm giống lúa thơm, đặc sản cũng chiếm khoảng 11,69%, tăng 1,43% so với Đông Xuân 2020-2021. Nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng gần 67%. Trong khi đó, nhóm giống lúa chất lượng trung bình còn chiếm khoảng trên 10%.
Nguyên nhân, trong gần một năm trở lại đây giá lúa gạo thơm và gạo chất lượng cao ổn định, bán được giá. Trong khi đó giá lúa nếp giảm thấp, có thời điểm bằng giống IR 50404 và chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận giảm sâu.
Nhóm giống lúa chuyển đổi dần theo đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo vừa phù hợp cho tiêu dùng trong nước vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và mang tính cạnh tranh cao theo hướng tích cực và bền vững đồng thời đảm bảo về các tiêu chí an ninh lương thực.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay có các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá tốt từ 3-4‰ như: Một bụi đỏ, OM2517, OM9577, OM9955, OM5464, GKG14...; một số giống chịu được độ mặn từ 2-3‰ như: OM6976, OM5451, OM9921, OM5621, OM6677, ST5, AS996 ... hay một số giống lúa cực ngắn ngày (dưới 90 ngày), nhưng chưa được nhiều địa phương theo dõi, đánh giá để khuyến cáo đưa vào sản xuất.
Hiện nay, nhiều địa phương vùng Nam Bộ đã gieo cấy vụ Hè Thu 2022. Kế hoạch gieo sạ toàn vùng trong vụ này là 1.584 nghìn ha.
Với vụ này, Cục Trồng trọt khuyến cáo, các địa phương gieo cấy nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài như: Đài thơm 8, OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Jasmine 85… đạt tỷ lệ từ 55-60%; nhóm giống thơm đặc sản: ST5, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20… từ 15 - 20%; riêng nhóm lúa nếp phải dưới 10% trong cơ cấu giống.
Từ các nhóm giống lúa trên, tùy theo tiểu vùng sinh thái mà các địa phương sẽ chọn lựa cơ cấu giống cho địa phương mình. Diễn biến thị trường có một số thay đổi mang tính bất thường đối với nhóm giống lúa dành cho chế biến, địa phương cần được tiếp tục theo dõi và nhu cầu của doanh nghiệp để bố trí sản xuất hợp lý, tránh dư thừa, tồn đọng trong các vụ tiếp theo.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân tập trung cày ải, phơi đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần nhằm tránh lây lan các loại bệnh dịch hại từ vụ trước sang vụ sau.
Lượng giống sạ cần giảm xuống còn từ 80-100 kg/ha; áp dụng sạ lan hay bằng trang thiết bị sạ bằng máy, công cụ sạ hàng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ áp dụng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng “1 phải 5 giảm”, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng... để giảm chi phí trong sản xuất.