Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cũng là dịp thuận lợi để tỉnh Bạc Liêu có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc phát triển các mô hình này.
Bạc Liêu là địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Đặc biệt, trong những năm qua, mô hình canh tác tôm - lúa tăng nhanh về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng, được xem là mô hình phát triển bền vững, cho lợi nhuận cao hơn từ 15 - 30% so với độc canh cây lúa.
Tại hội thảo, các đại biểu là diễn giả, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông… đã thảo luận và rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá những hạn chế, tồn tại của mô hình trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, tháo gỡ những “nút thắt”, điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản; phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, câu chuyện lúa - tôm đã được nhắc đến từ lâu và được tập trung phát triển mạnh, nhất là trong 3 năm trở lại đây. Bởi nông dân ý thức được rằng phải có trồng lúa mới nuôi được tôm. Tuy nhiên, để diện tích sản xuất lúa - tôm phát triển bền vững, phải có mô hình, có những tổ chức hỗ trợ nông dân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống lúa ST24, ST25 chia sẻ, để mở rộng mô hình và nâng cao giá trị vùng lúa - tôm phải có hệ thống thủy lợi đảm bảo, sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất; phải giảm dần và tránh sử dụng thuốc hóa học trong quá trình sản xuất.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ), mô hình sản xuất lúa tôm cần xem lại tính ổn định. Quan trọng nhất là có xuất khẩu được sản phẩm hay không. Chính vì vậy, ngành chức năng cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt cung cấp cho các mô hình canh tác lúa tôm luân canh không còn được thuận lợi, điều kiện sinh thái vùng nuôi thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Do đó đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ cho toàn vùng. Các nhà khoa học đề nghị, để tiếp tục phát triển mô hình này cần phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ về câu chuyện chế biến sản phẩm sau thu hoạch; vấn đề xây dựng bao bì, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; vấn đề đưa lúa thơm, tôm sạch ra thế giới; tháo gỡ khó khăn trong liên kết tiêu thụ các sản phẩm sau thu hoạch...
Phát biểu kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tôm - lúa là mô hình giúp nông dân sống khỏe, nhờ có thu nhập cao, nhưng như thế là chưa đủ. Mô hình này là minh chứng điển hình về đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy tất cả mọi người từ nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cần chung tay chắp cánh nâng cao giá trị của mô hình này trên cả khía cạnh lợi nhuận kinh tế cũng như môi trường. Phải làm sau để tâm huyết của các nhà khoa học đến được với nông dân, biến những ý tưởng thành hiện thực, mang lại lợi ích cho xã hội.
Với những gì mà mô hình tôm - lúa đang mang lại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, có thể mang lại lợi ích nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Muốn làm được điều này cần quan tâm tổ chức lại đời sống cũng như sản xuất của người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần có những cách làm cụ thể, sáng tạo, phù hợp với trình độ của người nông dân để họ có thể hiểu, thực hiện có hiệu quả những vấn đề mà các nhà khoa học đề ra. Bộ trưởng khẳng định, đa số người nông dân còn xa lại với những thuật ngữ của nhà khoa học, xa lạ với những thuật ngữ của các kỹ sư, mà khi người nông dân không hiểu thì họ sẽ làm theo cách của họ, từ đó mà hiệu quả không cao. Do đó, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp xuống nông dân, phải nói bằng ngôn ngữ của người nông dân thì mới hiểu được nông dân.
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các cơ quan ban, ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản: lúa thơm - tôm sạch.