Giá khí đốt tại thị trường TTF ở Hà Lan, vốn là mức giá chuẩn của châu Âu, hiện thấp hơn gần 7 lần so với mức cao kỷ lục ghi nhận gần một năm trước. Theo nhà phân tích Edoardo Campanella của UniCredit, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm 50% kể từ tháng 11/2022 nhờ thời tiết ấm áp hơn thường lệ và nhu cầu sử dụng khí đốt của Trung Quốc giảm trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu trong bối cảnh các quốc gia phương Tây buộc phải tìm nguồn cung thay thế khí đốt nhập khẩu của Nga. Cuộc xung đột tại Ukraine cũng tác động đến nền kinh tế thế giới với hóa đơn năng lượng tăng vọt và lạm phát leo thang.
Nhà phân tích Salomon Fiedler của Berenberg cho rằng, nếu không bị cắt nguồn cung khí đốt Nga, các quốc gia châu Âu có thể sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình nhờ đà phục hồi sau COVID-19, thay vì rơi vào cảnh đình trệ như hiện nay.