Cụ thể, giá gạo tấm 5% tiêu chuẩn của Thái Lan đã tăng lên mức 406- 425 USD/tấn vào tuần này, so với mức 395- 405 USD/tấn ghi nhận hồi tuần trước.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết hoạt động thu hoạch đã bắt đầu ở một số khu vực và tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng đến chất lượng gạo, qua đó khiến giá gạo Thái Lan tăng lên.
Một thương nhân khác cho biết giữa lúc tình hình khô hạn tại Thái Lan tiếp diễn, nhiều nhà xuất khẩu cũng đang cố gắng thu mua gạo để tăng lượng dự trữ của họ đề phòng khả năng thiếu hụt nguồn cung. Động thái này cũng đẩy giá gạo Thái Lan lên cao.
Bên cạnh đó, việc đồng baht mạnh lên cũng là yếu tố khiến giá gạo Thái Lan tăng cao hơn so với giá tại các trung tâm sản xuất lúa gạo khác ở châu Á, ngay cả khi nhu cầu vẫn không thay đổi.
Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm vẫn không thay đổi so với tuần trước và đứng ở mức 340-350 USD/tấn.
Số liệu sơ bộ cho thấy có khoảng 103.000 tấn gạo sẽ được chuyển ra các cảng tại TP Hồ Chí Minh trong các ngày từ 2- 10/8. Trong đó, 42% lượng gạo này sẽ được xuất sang Tây Phi, 29% sang Iraq và phần còn lại sang Philippines và Malaysia.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận cho biết phái đoàn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có mặt ở Mexico vào đầu tuần này để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ. Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới cho mặt hàng gạo của mình.
Tại thị trường Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm giảm từ mức 381-384 USD/tấn hồi tuần trước xuống 377- 381 USD/tấn trong tuần này, một phần do đồng nội tệ rupee suy yếu.
Một thương nhân cho biết sau khi Chính phủ đã thu mua một lượng lớn gạo từ nông dân, nguồn cung mặt hàng này đang bị thu hẹp trên thị trường, khiến các nhà xuất khẩu phải trả giá cao hơn.
Ngoài ra, các nhà quản lý trong ngành lúa gạo Ấn Độ cho biết hoạt động xuất khẩu gạo của nước này nhiều khả năng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm. Một phần là do nhu cầu yếu từ các khách hàng châu Phi, phần khác là vì các nhà sản xuất không còn được hưởng các chính sách ưu đãi cho hoạt động buôn bán gạo.