Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, hiện tại, việc áp dụng giá điện hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt.
Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện hai thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện, do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc thí điểm nhằm đánh giá, tính toán các khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế.
Hiện nay, hạ tầng ngành điện gồm: công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm… đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá hai thành phần.
Cùng đó, các Tổng công ty Điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh; đây là những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU.
Cục Điều tiết Điện lực cũng cho rằng, việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện. Do vậy, sẽ phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, bên cạnh việc tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Các nước trong khu vực và thế giới hiện nay đều đã áp dụng biểu giá điện 2 thành phần. Từ thực tế các nước, biểu giá này sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất và tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý, so với biểu giá một thành phần là điện năng hiện hành.
Để so sánh với biểu giá hiện hành, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Cục Điều tiết điện lực tính toán, giá điện bình quân cho 1 kWh trong trường hợp thời gian sử dụng công suất lớn nhất - Tmax càng lớn, thì giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng giảm và ngược lại.
"Đây chính là động lực thúc đẩy khách hàng luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để có chi phí sử dụng điện thấp nhất", Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Ngoài ra, với khách hàng có mức sử dụng điện lớn khi tăng Tmax sẽ làm cho giá sử dụng điện bình quân phải trả hạ xuống. Về phía ngành điện, cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định của ngành điện giúp ngành có thể giảm chi phí đầu tư, thu hồi được chi phí cố định.
Như vậy, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ mang lại lợi ích cho cả ngành điện - Bên cung ứng điện và người tiêu dùng - các khách hàng tiêu thụ điện.
Theo các chuyên gia, cơ chế giá điện hai thành phần tính theo công suất và điện năng sẽ tạo ra sân chơi minh bạch, công bằng, hiệu quả hơn cho tất cả các bên, kể cả phía nhà máy điện, nguồn điện cũng như doanh nghiệp sử dụng điện và người dân, để tiến tới thị trường điện trong thời gian tới.
Cơ chế giá điện hai thành phần được hiểu là bao gồm giá công suất và điện năng. Như vậy, trong hóa đơn tiền điện sẽ hiển thị hai thành phần tính giá điện gồm giá công suất, được khách hàng đăng ký theo "gói công suất" gắn với nhu cầu sử dụng.
Thành phần thứ hai là giá điện năng gắn với lượng điện thực tế sử dụng. Cơ chế giá điện hai thành phần sẽ tương tự như gói cước viễn thông mà hiện các nhà mạng hiện đang áp dụng.
Trong khi đó, cơ chế giá điện hiện chỉ áp dụng một thành phần điện năng (đồng/kWh). Cơ chế này chưa tạo ra giá bán điện phản ánh đúng chi phí mà người sử dụng điện gây ra cho hệ thống điện…