Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2019 khép phiên giảm 0,11 USD xuống còn 62,99 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London (Vương quốc Anh), giá dầu Brent giao tháng 7/2019 tăng 0,21 USD lên 72,18 USD/thùng.
Tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang là một thách thức đối với sự ổn định của các thị trường dầu thô trên thế giới. Ngày 21/5, sau khi trình bày bản báo cáo tóm tắt trước Quốc hội, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết chính quyền Mỹ chỉ tìm cách ngăn chặn Iran chứ không muốn khơi mào chiến tranh. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay nước này sẽ không bao giờ lùi bước trước sức ép của Mỹ. Cho đến nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani luôn bác bỏ khả năng diễn ra các cuộc đàm phán với Mỹ vì theo ông, tình hình hiện nay "hoàn toàn không phù hợp để tiến hành đàm phán" và người dân Iran cần đoàn kết, kiên định để vượt qua những trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt.
Trong khi đó, việc Washington gần đây nhắm vào Huawei Technologies - “đại gia” ngành công nghệ viễn thông của Trung Quốc - đã khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “tăng nhiệt”. Đặc biệt sau khi quyết định của Tổng thống Mỹ tăng mức thuế từ 15% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 10/5, đồng thời Washington đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Phía Trung Quốc "đáp trả" Mỹ với tuyên bố sẽ áp thuế lên lượng hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 1/6 tới.
Trước những diễn biến trên, các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại tình hình căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của nước này sẽ dẫn tới khả năng kinh tế thế giới giảm tốc và tác động tiêu cực tới nhu cầu sử dụng dầu, cũng như niềm tin của thị trường.
Trong một diễn biến khác, Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu hàng đầu khác đã “đánh tiếng” về mong muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đang được thực hiện từ đầu tháng 1/2019 đến cuối năm nay.