Ngày 1/12, giá dầu
mỏ trên thị trường thế giới đã tăng mạnh trở lại sau khi giảm xuống mức
thấp nhất trong 5 năm qua. Giới phân tích nhận định diễn biến mới chỉ
là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật của thị trường sau khi "vàng đen" đã
giảm 10 USD/thùng trong tuần trước. Nhà máy lọc dầu lớn nhất Kuwait Al-Ahmadi ở Al-Shuaiba, cách thủ đô Kuwait City khoảng 30km, ngày 23/2/2005. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Trong
phiên giao dịch lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt
nhẹ (WTI) chuẩn giao tháng 1/2015 ở mức 69 USD/thùng, tăng 2,85
USD/thùng so với phiên giao dịch cuối ngày 27/11, thời điểm giá dầu trên
thị trường này xuống tới mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.
Trong
giao dịch điện tử trước khi thị trường mở cửa, WTI giảm xuống 63,72
USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Tại London, giá dầu thô
Brent giao cùng kỳ tăng 2,39 USD lên 72,54 USD/thùng. Trước đó, giá dầu
trên thị trường này từng giảm xuống 67,53 USD/thùng.
Trong bối
cảnh giá dầu mỏ liên tục giảm từ tháng 6 vừa qua do nguồn cung tăng
trong khi nguồn cầu giảm trên toàn thế giới, giới phân tích cho rằng giá
dầu tăng mạnh trở lại trong ngày 1/12 là do thị trường căn cứ vào đánh
giá mang tính kỹ thuật rằng mức giảm 9 USD kể từ ngày 26/11 vừa qua đủ
để phản ánh sự thất vọng của thị trường đối với quyết định trong tuần
trước về việc giữ nguyên mức trần sản lượng của Tổ chức các nước xuất
khẩu dầu mỏ (OPEC).
Giới chuyên gia cảnh báo về chiều hướng dầu mỏ mất giáTheo
bản tin đêm 1/12 của Đài Tiếng nói nước Nga, các chuyên gia không loại
trừ khả năng giá dầu sẽ giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Trong điều kiện
như vậy, nguồn thu từ dầu mỏ sẽ không thể bảo vệ Nga - nước sản xuất dầu
mỏ lớn nhất thế giới - trước các đòn trừng phạt của phương Tây.
Iran
cũng sẽ phải cắt giảm các khoản trợ cấp để bảo vệ người dân trước sức
ép ngày càng tăng từ các biện pháp của phương Tây. Trong số những nước
chịu thiệt hại lớn do giá dầu giảm còn có Nigeria - quốc gia đang chống
chọi không mấy thành công với các phần tử Hồi giáo cực đoan, và
Venezuela - quốc gia có nền kinh tế suy yếu vì những quyết định chính
trị được cho là không thích hợp.
Giới chuyên gia cho rằng các
quốc gia sản xuất dầu mỏ đã quen với mức giá khoảng 100 USD/thùng nên
không đa dạng hóa nền kinh tế, hoặc thực hiện động thái này quá chậm
chạp. Nếu tình trạng giá dầu mỏ thấp kéo dài, những nước này và sau đó
là cả thế giới có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng chính trị và xã hội
nghiêm trọng.
Đồng ruble giảm mạnh nhất kể từ năm 1998 Giá
dầu mỏ tiếp tục giảm là nguyên nhân khiến đồng ruble (rúp) của Nga ngày
1/12 mất giá mạnh nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính ở
nước này năm 1998.
Có lúc trong ngày, đồng ruble giảm gần 9% -
với 53,90 ruble đổi được một USD và 67 ruble đổi được một euro, song sau
đó tăng lên chút ít với 52 ruble đổi một USD và 65 ruble đổi một euro -
tương đương mức giảm 4%. Như vậy, đồng tiền Nga đã giảm giá gần 60% so
với đồng USD kể từ đầu năm nay do giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong
5 năm qua và những hậu quả từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp
đặt đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các nhà
phân tích cho rằng từ đầu năm nay, đồng ruble mất giá chậm do Ngân hàng
trung ương Nga can thiệp hàng ngày để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, tháng
trước, Ngân hàng trung ương Nga đã thả nổi đồng ruble khiến nó giảm giá
mạnh trong những ngày gần đây, làm gia tăng mối quan ngại về sức mạnh
kinh tế của quốc gia này.
Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là nguồn
thu ngân sách chính của Nga. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính nước này
Anton Siluanov cho biết Nga thiệt hại 140 tỷ USD/năm do giá dầu giảm và
các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tổng Tham mưu trưởng Nga Sergei
Ivanov kêu gọi giới chức nước này lập kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu
trong tất cả ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga
Vladimir Putin đã khẳng định thiệt hại kinh tế do hệ quả của việc đồng
ruble mất giá không quá nguy hiểm.
TTXVN/Tin Tức