Cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Khouris, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chiều phiên này, tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn có thời điểm tăng 21 xu Mỹ (0,28%) lên 75,51 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/5 là 75,30 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn lại hạ 1,11 USD (1,64%) xuống 66,77 USD/thùng, lùi gần sát mức thấp nhất kể từ ngày 17/4.
Mặc dù nhiều nhà đầu tư nghiêng về khả năng Saudi Arabia và Nga nâng sản lượng dầu mỏ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran và Venezuela, song chưa có gì chắc chắn cho tới khi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) diễn ra vào ngày 22/6 tới đi đến một thỏa thuận. Ngoài sản lượng dầu tại Venezuela có thể sẽ tiếp tục giảm sâu sau cuộc bầu cử tổng thống, Iran đang đối mặt với các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.
Chênh lệch giữa giá dầu Brent và dầu WTI hiện là khoảng 8,7 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 3/2015 do đà tăng của giá dầu ngọt nhẹ chậm hơn nhiều so với giá dầu Brent. Trong khi đó, lượng dầu thô nhiều kỷ lục từ Mỹ dự kiến sẽ “cập bến” thị trường châu Á trong vài tháng tới, lấy bớt thị phần của OPEC và Nga.
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 27% trong hai năm qua, lên 10,73 triệu thùng/ngày. Hiện Mỹ đã trượt Saudi Arabia về sản lượng dầu mỏ và chỉ thua Nga, nước đạt sản lượng 11 triệu thùng/ngày.