Qua khảo sát một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như Hôm Đức Viên, Kim Liên, Dốc Đề, Nguyễn Công Trứ, chợ 8/3, Bách Khoa, Thành Công, Hàng Bè… cho thấy, giá cả các mặt hàng vẫn ở mức cao, nếu có giảm cũng rất ít không đáng kể. Riêng mặt hàng rau xanh lại tăng cao nguyên nhân là do có đợt mưa kéo dài làm dập nát, thối rễ nên rau xanh bị khan hiếm.
Cụ thể, các loại rau xanh, củ quả đều tăng giá mạnh, như bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ; khoai tây từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, rau cần 8000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ, xà lách 18.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg, cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 24.000 đồng/kg, cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ, rau ngót từ 6.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, bí xanh từ 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, cà rốt từ 2.000 đồng/củ lên 8.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 13.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, cà chua có giá từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, mướp tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg…
Lý giải về vấn đề giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày gần đây, theo anh Nguyễn Văn Bính, ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, do thời tiết Hà Nội mấy hôm nay mưa lớn kéo dài, cùng với giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nên chi phí bỏ ra để chăm sóc cây rau màu cũng tăng mạnh. Gia đình anh có mấy sào trồng rau màu đã đến lúc thu hoạch nhưng do mưa lớn kéo liên tục nên cũng bị ngập úng và hỏng hết, gây thiệt hại vài chục triệu đồng. Theo anh Bính giá rau xanh tăng cao nhưng lợi nhuận cũng không được là bao nhiêu so với công sức bỏ ra.
Đối với mặt hàng thịt lợn, những ngày gần đây giá cũng tăng cao so với hồi đầu tháng 6 năm nay. Nguyên nhân là do vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nhiều hộ chăn nuôi treo chuồng không tái nên nguồn cung cũng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ lượng thịt mạnh từ các nhà hàng, quán ăn tăng trở lại phục vụ lượng khách du lịch tăng cao trong dịp hè.
Cụ thể, giá sườn non từ 155.000-165.000 đồng/kg, ba rọi, nạc vai phổ biến ở mức từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, nạc thăn từ 130.000-140.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt bò, cá, tôm cũng tăng nhẹ; trong đó, giá thịt gầu bò ở mức 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 350.000 đồng/kg, tôm từ 300.000 - 450.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 75.000 - 120.000 đồng/kg…
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường, nhưng giá cả thị trường lên xuống do biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định. Có thể hiểu là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả.
Hơn thế nữa, xăng, dầu là chủng loại hàng hóa đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này có biến động thì chắc chắn tác động ít nhiều đến nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, không phải ngay lập tức và tùy ngành nghề, lĩnh vực sẽ có mức tác động khác nhau.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu, Hà Nội tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đó, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Các nhóm hàng và lượng hàng thiết yếu được xác định cần cân đối cung - cầu trong kế hoạch gồm: lương thực (gạo, mì, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, bột canh...), sữa (sữa nước, sữa bột…), mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát và những nhóm hàng thiết yếu phòng, chống thiên tai dịch bệnh.
Hàng hóa tham gia chương trình phải bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá. Kế hoạch cũng khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi. Tạo điều kiện cho các cơ sở/đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.