Chiều 5/6, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Tính đến hết tháng 5/2015, mới cổ phần hóa được 43 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Từ nay tới cuối năm, còn tới 246 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa.Công ty TNHH Một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa và niêm yếu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong năm nay. Ảnh minh họa: Huy Hùng- TTXVN |
Số lượng DNNN còn lại phải cổ phần hóa theo kế hoạch là “thách thức” không nhỏ đối với ngành tài chính. Ông Tiến cho hay: Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là kiên quyết tăng cường giám sát, kiểm tra; cụ thể là gắn trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, bộ, ngành với công tác cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, không quyết tâm, chần chừ thì kiên quyết thay thế lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, từ nay tới cuối năm, phía cơ quan chức năng sẽ phân loại các doanh nghiệp để thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì mới IPO còn không thì sẽ chuyển sang công ty cổ phần. Cụ thể: Sau 12 tháng thực hiện chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp sẽ phải trình phương án IPO. Nếu tiếp tục không IPO được, doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện đúng quy định là bán cả doanh nghiệp hoặc tuyên bố phá sản.
Về kết quả thoái vốn, báo cáo ngành tài chính cho thấy, số vốn đã thoái tính tới hết quý 1/2015 là khoảng trên 8.200 tỷ đồng. Như vậy, trong những tháng cuối năm, các đơn vị sẽ cần thoái 19.517 tỷ đồng. Trong số tiền còn đọng lại trên, phần lớn vẫn nằm trong khu vực ngân hàng bất động sản. Con số chưa thoái trong hai lĩnh vực này còn khoảng 12.000 tỷ đồng.