Gắn khoa học, công nghệ với mục tiêu phát triển

Năm 2016, ngành khoa học và công nghệ cùng các địa phương đã phân bổ, sử dụng theo chiều hướng cải thiện tốt hơn, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp để đưa khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cho dù, năm qua, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 1,4%, tương đương 17.730 tỉ đồng (không tính kinh phí dành cho an ninh - quốc phòng và dự phòng).

Bên cạnh đó, ngành chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…Ngành đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung...

Nhóm học sinh với hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu. Ảnh minh họa: Mai Trang/TTXVN

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Năm 2016, hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình Quốc hội và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa các nội dung về quỹ đầu tư mạo hiểm vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyến khích đầu tư mạo hiểm cho hoạt động đổi mới sáng tạo; rà soát vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật Quản lý ngoại thương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp và các luật chuyên ngành về khoa học và công nghệ. Bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ đúng thời hạn 3 Nghị định về điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cũng trong năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nội dung giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp phục vụ nội dung giám sát và triển khai các hoạt động giám sát tại địa phương, vùng kinh tế. Căn cứ vào kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Ngoài hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có hoạt động giám sát về khoa học và công nghệ tại nhiều địa phương. Các hoạt động giám sát là cơ hội để ngành khoa học và công nghệ nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khả thi để phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới.

Phát triển thị trường và thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chu Ngọc Anh cho rằng: Môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ cơ bản đã được hình thành, tạo ra cơ chế thông thoáng phát triển các yếu tố và hạ tầng thị trường công nghệ Việt Nam trong các khâu: Ươm tạo công nghệ; nhập khẩu giải mã, làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng nền kinh tế Việt Nam muốn tăng tốc, phát triển thì việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là lựa chọn tất yếu phải tập trung. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là lực lượng trung tâm được hỗ trợ hình thành và phát triển trong một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một biện pháp đẩy mạnh sự phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ.

Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhưng các quỹ này cũng chưa đầu tư thành lập Quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, chỉ có văn phòng đại diện để tìm kiếm các hạng mục đầu tư. Số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng, phần lớn là doanh nhân khởi nghiệp thành công đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thế hệ sau, người Việt Nam ở nước ngoài, nhà đầu tư thiên thần từ nước ngoài và ở Việt Nam. Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam” của Bộ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ huy động vốn đầu tư ban đầu và các vòng gọi vốn đầu tư tiếp theo từ các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cho các dự án khởi nghiệp trong nước có tiềm năng.

Thị trường khoa học và công nghệ được thúc đẩy phát triển, bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ, gia tăng số lượng, giá trị các giao dịch công nghệ giữa doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu. Mạng lưới các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở 63 tỉnh, thành phố được đầu tư nâng cấp. Hiện cả nước có 50 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và 8 sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An).

Việc thành lập các sàn giao dịch công nghệ khu vực tư nhân có xu hướng gia tăng, mang lại những kết quả nhất định, như Sàn giao dịch công nghệ Sáng Tạo Việt đã kết nối, thực hiện thành công một số giao dịch chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ và đang là đầu mối thu hút nguồn lực khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực y tế, xây dựng, môi trường; Sàn giao dịch công nghệ trực tuyến Agricare trong lĩnh vực nông nghiệp cung cấp các dịch vụ tư vấn lựa chọn, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp dựa trên công nghệ… Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa để ứng dụng phục vụ đích phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp công nghệ cũng tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường khoa học và công nghệ trong nước. Trong năm 2016, nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá và có khoảng 2.100 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đến nay có khoảng 250 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tuy số lượng tổ chức được cấp Giấy chứng nhận còn ít, nhưng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận thuộc các lĩnh vực khác nhau tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cao…

 Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2016, tỉ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp đã tăng 1-2% so với năm 2015, đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng, tùy theo lĩnh vực. Kết quả khoa học và công nghệ được ứng dụng trong các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Khoa học và công nghệ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển như: Thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh. Thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ, các Viện nghiên cứu, Tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120m (Tam Đảo 05) - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam được hạ thủy, bàn giao cho chủ đầu tư là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro ngày 12/8/2016; các loại động cơ điện công suất đến 5 MW, tuabin công suất đến 6MW, các chủng loại biến áp đến 500kV, chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của châu Âu...

Đặc biệt, trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành khoa học và công nghệ cũng có vai trò lớn trong việc quản lý tài nguyên, môi trường và phòng tránh thiên tai , các kết quả nghiên cứu đã nâng cao chất lượng giám sát, dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn, đặc biệt các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, rút ngắn thời gian tiến hành dự báo. Công nghệ dự báo, giám sát xâm nhập mặn đã được nghiên cứu, triển khai ứng dụng tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tốt. Công nghệ đập ngầm, hào thu nước cấp nước sinh hoạt quy mô vừa và nhỏ cho khu vực miền núi, đặc biệt cho khu vực khan hiếm nước được phát triển , triển khai áp dụng trong thực tiễn... Khoa học và công nghệ đã kịp thời giúp các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương giải quyết các vấn đề thiên tai bất thường, sự cố môi trường với các nghiên cứu liên quan đến đánh giá xâm nhập mặn, suy giảm nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn, đánh giá mức độ tổn thương, biến động đường bờ theo các kịch bản biến đổi khí hậu để làm cơ sở khoa học đề xuất việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phân vùng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng ghi nhận những thành tựu ngành y tế đạt được đều có đóng góp to lớn của khoa học và công nghệ, các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán, điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng. Vai trò, vị thế nền y tế Việt Nam ở một số lĩnh vực đã được nâng cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, hỗ trợ sinh sản, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vắc xin và sinh phẩm.

Tạo bứt phá

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển. Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến khoa học và công nghệ để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế. Ngành tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ , có tỉ trọng giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh ; xây dựng và phát triển thương hiệu và tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Đặc biệt là việc triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ thông qua sửa đổi hành lang pháp lý và các chính sách, chương trình thúc đẩy mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp. Bộ thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ; triển khai các hoạt động xúc tiến công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Thu Hà (TTXVN)
 Công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2016
Công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2016

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN