Bước tiến mới trong điều trị bệnh thận mạn tại Việt Nam

Hội thảo cập nhật những tiến bộ mới nhất trong thực hành lâm sàng và thảo luận chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị bệnh thận mạn, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch - Thận - Chuyển hóa trong nước và quốc tế, cùng 1.500 cán bộ nhân viên y tế trên khắp cả nước tham gia.

Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam và Boehringer Ingelheim, tập đoàn dược sinh học hàng đầu thế giới, vừa phối hợp cùng tổ chức chuỗi hội thảo khoa học với chủ đề “Chân trời mới cho phổ rộng bệnh nhân bệnh thận mạn: Cuộc cách mạng từ Empagliflozin” tại Hà Nội (22/11) và TP Hồ Chí Minh (24/11).

Hội thảo cập nhật những tiến bộ mới nhất trong thực hành lâm sàng và thảo luận chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị bệnh thận mạn, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch - Thận - Chuyển hóa trong nước và quốc tế, cùng 1.500 cán bộ nhân viên y tế trên khắp cả nước tham gia.

Cũng nhân dịp này, một chỉ định mới trong điều trị bệnh thận mạn vừa được Bộ Y tế phê duyệt chính thức được công bố. Đây được coi là bước tiến quan trọng, mở ra chân trời mới trong điều trị hiệu quả cho người bệnh thận mạn tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hội thảo quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch - Thận - Chuyển hóa trong nước và quốc tế, cùng 1.500 cán bộ nhân viên y tế trên khắp cả nước tham gia.

Tại hội thảo, GS.TS. BS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: “Tỷ lệ bệnh thận mạn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất khi so sánh với các nước trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương và đây thực sự là gánh nặng lớn về bệnh tật, kinh tế của gia đình người bệnh cũng như của cả xã hội. Số bệnh nhân bệnh thận mạn tăng lên không chỉ dẫn đến tình trạng quá tải về các biện pháp lọc thận trong bệnh viện mà còn dẫn đến giảm sút sức lao động xã hội; gia tăng gánh nặng y tế để có thể chăm lo cho người bệnh”.

Chú thích ảnh
GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo tại Hà Nội.

Bệnh thận mạn là gánh nặng kinh tế rất lớn đối với bệnh nhân và xã hội. Chi phí cho điều trị và lọc máu cao, chiếm đến 2-8% ngân sách y tế mỗi năm. Trong đó, chi phí y tế cho lọc máu cao gấp 3 lần so với chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm. Mặc dù được điều trị nhưng bệnh nhân bệnh thận mạn thường đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng, bao gồm biến cố tim mạch, suy tim, tử vong do tim mạch, tử vong do mọi nguyên nhân, hoặc tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối như chạy thận hoặc ghép thận. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8/10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Cũng theo GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt, mặc dù còn nhiều bệnh nhân bệnh thận mạn nhưng việc chẩn đoán bệnh và can thiệp điều trị còn khá muộn. Do đó, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và chức năng thận ngày càng xấu đi.

 “Thực tế, bệnh thận mạn thường không có hoặc có khá ít các triệu chứng trong giai đoạn đầu nên thường bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán. Một số khảo sát gần đây cho thấy 80,3% bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh thận mạn như bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, còn chưa được thực hiện các xét nghiệm tầm soát để chẩn đoán bệnh thận mạn theo đúng khuyến cáo”, GS.TS.BS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.

Các bệnh lý tim mạch - thận - chuyển hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau, thường tồn tại đồng thời và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý còn lại. Cụ thể, hơn 60% bệnh nhân bệnh thận mạn có bệnh lý tim mạch, 30-40% bệnh nhân suy tim là có bệnh thận mạn, và có tới 40% bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thận mạn, 16% bệnh nhân vừa suy tim đồng mắc đái tháo đường và bệnh thận mạn, 20-40% bệnh nhân suy tim có đái tháo đường, và khoảng 1 trong 3 bệnh nhân đái tháo đường có bệnh lý tim mạch. Do đó, việc điều trị bệnh thận mạn sẽ không phải cho một bệnh lý riêng lẻ mà cần phải điều trị và bảo vệ đồng thời trên cả 3 bệnh này.

Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, giúp họ có thêm thời gian sống với tình trạng sức khỏe ổn định hơn, đồng thời giúp cải thiện triệu chứng cũng như bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm, bao gồm tử vong do tim mạch.

GS.BS. Michel Jadoul, chuyên gia Thận học tại Bệnh viện Đại học Saint-Luc, Brussels, Vương quốc Bỉ, nhận định rằng, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh thận mạn là yếu tố then chốt giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Ông cũng nhấn mạnh rằng hành động sớm là rất cần thiết. Để giảm thiểu các biến chứng và phát hiện kịp thời bệnh thận mạn, cần tập trung sàng lọc ở các nhóm nguy cơ cao như người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, có tiền sử bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, người trên 60 tuổi, người hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh thận mạn...

Trong thời gian qua, đã có những bước tiến mới mang tính cách mạng trong điều trị bệnh thận mạn. Dựa trên hàng loạt thử nghiệm lâm sàng, Empagliflozin được phát minh nhằm mục đích chính để điều trị đái tháo đường nhưng lại có những hiệu quả điều trị rõ ràng trên các bệnh nhân suy tim, đồng thời giúp giảm bớt tiến triển xấu ở các bệnh nhân suy thận mạn. Ngày 4/11 vừa qua, Empagliflozin đã chính thức được Bộ Y tế phê duyệt chỉ định điều trị cho bệnh thận mạn.

Áp dụng nhiều tiến bộ mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn
Áp dụng nhiều tiến bộ mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

Thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã áp dụng những tiến bộ mới của y khoa để làm chậm tiến triển bệnh suy thận mạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN