Trong đó, bệnh thận mạn tính nếu không được phát hiện sẽ có nguy cơ mất chức năng thận tiến triển có thể dẫn đến suy thận, cần phải điều trị lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận để tồn tại. Bệnh thận mạn tính còn làm tăng nguy cơ tử vong sớm do các bệnh tim mạch liên quan (đau tim và đột quỵ).
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo triển khai “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức chiều 10/3 tại Hà Nội.
Hội thảo hưởng ứng Ngày Thận Thế giới (11/3), nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thận, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp cách ly an toàn trong phòng ngừa dịch bệnh đã tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế và nhân viên y tế.
Bệnh thận mạn đang gia tăng trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Nhu cầu điều trị lọc máu tăng cao, có nguy cơ vượt quá khả năng đáp ứng của các trung tâm/khoa, đơn vị Thận nhân tạo trong các Bệnh viện.
Người bệnh lọc máu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao với bệnh truyền nhiễm, bởi đây là những người bệnh dễ bị tổn thương có nhiều bệnh mắc kèm và kèm rối loạn chức năng miễn dịch liên quan đến suy thận.
Bệnh thận mạn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và xử trí thích hợp. Sự suy giảm chức năng thận có thể được làm chậm lại, thậm chí ngừng lại và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch liên quan. Các phương pháp điều trị chính là chế độ ăn uống thích hợp và thuốc, lọc máu lâu dài hoặc ghép thận.
Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” với mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch COVID-19.
Tài liệu hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống COVID-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm COVID-19, giảm áp lực lên hệ thống y tế cũng như an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và toàn xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, để tài liệu chuyên môn sớm được ứng dụng, thực hành, trong thời gian tới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn liên quan đến lọc máu người lớn, trẻ em cho y tế tuyến dưới tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Cục đề nghị các cơ sở y tế tiếp tục tuân thủ chuyên môn trong lọc máu cho người bệnh suy thận song song với lưu ý thực hiện 5K trong phòng, chống dịch COVID-19.
Các nhà quản lý và chuyên gia tại điểm cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã giải thích một số băn khoăn của các điểm cầu liên quan đến thực hiện kỹ thuật lọc máu, trong đó có lọc màng bụng cho người suy thận tại nhà. Về nội dung này, các chuyên gia khẳng định việc lọc máu, lọc màng bụng cho người suy thận chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế đủ điều kiện, không được thực hiện tại nhà.
Hội thảo đã cập nhật các hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ trong khám, chữa bệnh, đặc biệt thay đổi cách tiếp cận trong chẩn đoán, điều trị bệnh đáp ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến toàn cầu và tại Việt Nam.