Trung tâm nghiên cứu y học quốc tế Nhật Bản đã tiến hành điều tra đối với 6.070 bệnh nhân điều trị COVID-19 tại 354 cơ sở y tế trên toàn Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 6 đến đầu tháng 9 vừa qua. Theo đó, khi phân tích nguyên nhân liên quan đến tử vong của các bệnh nhân COVID-19 có triệu trứng nặng tại thời điểm nhập viện, các nhà nghiên cứu phát hiện 44% trường hợp có bệnh nền liên quan đến thận, 40,5% trường hợp có bệnh nền liên quan đến tim và 39,5% trường hợp có bệnh nền liên quan đến mạch máu não.
Trong khi đó, nhóm bệnh nhân có bệnh nền là béo phì và máu nhiễm mỡ thường biến chứng nặng hơn sau khi nhập viện (tỷ lệ tương ứng là 34,9% và 34,4%), song tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này lại khá thấp, lần lượt là 9,6% và 16,1%
Theo báo cáo này, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 có triệu trứng nặng, cần phải thở máy tại thời điểm nhập viện là 10,1%, giảm gần một nửa so với mức 19,4% khi dịch bệnh mới bùng phát tại Nhật Bản hồi tháng 3. Lý do là thời gian trung bình kể từ khi bệnh nhân phát hiện triệu chứng đến khi được nhập viện đã được rút ngắn đáng kể xuống còn 5,1 ngày, giảm gần 2,5 ngày so với giai đoạn trước đó.
Trưởng nhóm điều tra, ông Saito Sho cho biết kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tìm kiếm các biện pháp điều trị hiệu quả hơn để giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19, kể cả những đối tượng được cho là dễ bị biến chứng tăng nặng. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích nguyên nhân tử vong và các triệu chứng tăng nặng từ những thói quen sống hàng ngày của bệnh nhân COVID-19.
Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học OncoTherapy Science tại Nhật Bản cho biết hãng này đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng kháng nguyên peptide. Theo đó, vaccine này có thể hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.