Gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

Sáng 12/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức lễ công bố báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020.

Đa số doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, qua khảo sát 10.197 doanh nghiệp, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) trong năm 2020, kết quả cho thấy: Có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch COVID-19, trong đó có 72,6% doanh nghiệp cho cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 “phần lớn là tiêu cực” và 14,6% lựa chọn mức “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng và gần 2% doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch với doanh nghiệp họ ở mức “phần lớn tích cực” (1,3%) hoặc “hoàn toàn tích cực (0,5%). 

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Lễ công bố báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam sáng 12/3.

Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI về ảnh hưởng của dịch COVID-19 là không đáng kể, có 87,1% doanh nghiệp tư nhân và 87,9% doanh nghiệp FDI cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” bởi dịch COVID-19.

“Mặc dù điều tra này kết thúc vào tháng 12/2020, nhưng kết quả thu được vẫn khá sát với con số 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 mà Tổng cục Thống kê đã công bố ngày 27/4/2020. Điều này cho thấy tác động của dịch COVID-19 vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Đáng chú ý, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp mới hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Cụ thể, 89% doanh nghiệp tư nhân và 92% doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực có xu hướng giảm khi số năm hoạt động của doanh nghiệp gia tăng. Song vẫn có tới 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.

Mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp FDI lớn nhất ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ, với 89,3% cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Doanh nghiệp FDI ở quy mô lớn là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2, với con số 88%. Tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm quy mô vừa và quy mô siêu nhỏ thấp hơn một chút, lần lượt ở mức 87,3% và 87,2%.

Nhóm doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn, hoàn toàn tiêu cực là cao nhất, với con số 87,7%. Các nhóm doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn một chút, ở mức 86,1%.

Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất bao gồm: May mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực thấp nhất, song vẫn xung quanh mức 80%, như: Bất động sản (76%), khai khoáng (80%) và dịch vụ khác (81%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp, thuỷ sản (95%).

Một số nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn mức ảnh hưởng phần lớn/hoàn toàn tiêu cực ít hơn cả, bao gồm: Sản xuất chế biến giấy (76%), tài chính, bảo hiểm (80%) và sản xuất chế biến cao su, nhựa (82%). 

Cắt giảm 1/3 lao động

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khảo sát 2020 tại doanh nghiệp cho biết: Có 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng vẫn có một bộ phận đáng kể doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động.

“Việc thực hiện biện pháp cho người lao động nghỉ việc do tình kinh kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch COVID-19 là điều doanh nghiệp phải làm, song có sự khác biệt nhất định theo quy mô và khu vực kinh tế. Cụ thể, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho công nhân nghỉ việc”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Theo VCCI, một số ngành sản xuất có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc do dịch COVID-19 ở mức cao như: Thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.

Ứớc tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, với các doanh nghiệp FDI con số này là khoảng 17%. Những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%. 

“Doanh nghiệp tư nhân trong một số nhóm ngành có số lượng lao động phải cho nghỉ việc cao nhất bao gồm: Thông tin, truyền thông, hành chính, dịch vụ hỗ trợ và nông nghiệp, thủy sản. Với các doanh nghiệp FDI, đó là các ngành như: Hành chính, dịch vụ hỗ trợ; tài chính, bảo hiểm và thông tin, truyền thông”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.

Doanh nghiệp đồng tình với biện pháp giãn cách xã hội của Chính phủ

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra có tác động sâu rộng đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chính phủ đã có những biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ và hiệu quả. Kết quả điều tra cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện sự ủng hộ rất cao đối với chính sách phòng chống dịch của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã thiết kế nghiên cứu theo hướng giả định trường hợp làn sóng thứ 2 của dịch xuất hiện với xác xuất thấp (25%) và xác xuất cao (75%). Với trường hợp xác xuất cao của làn sóng thứ 2 xuất hiện, như đã diễn ra sau đó vào cuối tháng 7/2020, 85,9% doanh nghiệp tư nhân và 87,2% doanh nghiệp FDI ủng hộ chính sách phòng chống dịch của Chính phủ. Với trường hợp xác xuất thấp của làn sóng thứ 2 xuất hiện, cũng có đến 84,3% doanh nghiệp tư nhân và 85,2% doanh nghiệp FDI ủng hộ biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đã diễn ra vào tháng 3-4/2020.
Tin, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Bộ Công Thương chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020
Bộ Công Thương chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020

Với mục tiêu ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam năm 2020 trong việc nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, Bộ Công Thương vừa đề nghị các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai Chương trình xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN