Tính đến ngày 31/3/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 291.754 tỷ đồng, tăng 8.406 tỷ đồng so với năm 2022, với hơn 6.584.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, trong đó tăng dư nợ tín dụng các chính sách cho vay ưu đãi 376 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Nguồn vốn chính sách cũng đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 129.000 lao động, giúp 1.917 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 17.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 352.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 493 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống và mua, thuê mua, xây dựng 1.376 căn nhà ở xã hội.
Tính đến 31/3/2023, 4 tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ ủy thác đạt trên 290 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,45%/tổng dư nợ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,3%; Hội Nông dân chiếm 30%; Hội Cựu chiến binh chiếm 17,1% và Đoàn Thanh niên chiếm 14,6%.
Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 10.437 điểm giao dịch xã, với 168.551 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn do nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hộicòn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác dù đã được quan tâm bổ sung hàng năm, nhất là tại chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Bởi một bộ phận không nhỏ người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm năm 2022 và 2023 trên toàn quốc rất lớn.
Ngoài ra, một số chương trình tín dụng có mức vay chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và diễn biến giá cả thị trường như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn…
Do đó, để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, ông Dương Quyết Thắng kiến nghị Quốc hội nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản. Các Bộ chủ quản chương trình tín dụng kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay và bổ sung một số đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội phù hợp với thực tiễn.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; trong đó, hàng năm cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn cho vay góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngân hàng Chính sách xã hội thống kê cho thấysau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, đến hết tháng 3/2023, ngân sách địa phương đã dành hơn 34.200 tỷ đồng hỗ trợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Một số địa phương có tỷ lệ cao như Hà Nội là 7.143 tỷ đồng, Tp. Hồ Chí Minh 3.781 tỷ đồng, Đà Nẵng 1.875 tỷ đồng, Bình Dương 1.865 tỷ đồng, Bà Rịa -Vũng Tàu 1.598 tỷ đồng...