Ngày 16/3 (rạng sáng 17/3 theo giờ Việt Nam), FED đã quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong một vài tháng tới để ứng phó với tình trạng lạm phát cao kỷ lục.
Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất cơ bản kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020. Lần gần đây nhất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất là cuối năm 2018.
Lãi suất cao hơn có thể kéo theo phí vay tăng đối với những người tiêu dùng đang tìm cách mua nhà và ô tô. Phí vay tăng cũng có thể giảm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó hạ nhiệt tình trạng lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Theo hãng tin Reuters, trong một dự đoán FED sẽ tăng lãi suất và có thể cao hơn nữa trong tương lai gần, lãi suất thế chấp cho người dân Mỹ cũng đã bắt đầu tăng. Trong tuần từ ngày 6-11/3, lãi suất trung bình cho khoản vay thế chấp cố định trong 30 năm đã lên mức 4,27%, tăng gần một điểm phần trăm so với một năm trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Lãi suất thế chấp tăng có thể đẩy chi phí mua nhà lên cao, gây khó khăn hơn cho một bộ phận người mua. Domonic Purviance, chuyên gia bất động sản của Atlanta Fed, cho biết chi phí vay tăng có thể làm suy giảm nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên, với thị trường tồn kho đang ở mức thấp kỷ lục, sự thay đổi về nhu cầu mua nhà sẽ ít ảnh hưởng đến giá nhà, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo ông Purviance, trong thời gian tới giá nhà có thể tăng chậm.
Bên cạnh nhà ở, nhu cầu mua ô tô của người Mỹ cũng được dự đoán giảm. Thực trạng khan hiếm ô tô bán ra thị trường đã khiến giá ô tô tăng cao và lãi suất cao hơn hiện giờ có thể khiến các khoản vay mua ô tô trở nên đắt đỏ.
Việc FED tăng lãi suất đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể được hưởng lợi tức cao hơn khi có tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng, song điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Các ngân hàng cần thời gian để nâng lãi suất họ phải trả cho các khoản tiền tiết kiệm. Tài khoản tiết kiệm trực tuyến được cho là mang lại lợi suất cao hơn so với các tài khoản tiết kiệm gửi theo phương thức truyền thống tại các ngân hàng.
Không giống như với giá nhà, giá ô tô và lợi tức khoản tiết kiệm, động thái tăng lãi suất của FED có tác động ngay lập tức đối với một số khoản vay có lãi suất điều chỉnh như thẻ tín dụng.
Việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm sau 3 năm của FED có thể không giáng một đòn mạnh vào túi tiền người tiêu dùng song vẫn khiến những người tài chính eo hẹp đang phải đi vay thêm phần bức bối và căng thẳng.
Lạm phát tại Mỹ hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp ở Mỹ. Quyết định tăng lãi suất trong bối cảnh hiện nay thể hiện quyết tâm của FED đối phó với tỷ lệ lạm phát đang tăng phi mã của nước này.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell gần đây sử dụng các thuật ngữ ít cụ thể hơn như "linh hoạt" cho chính sách. Điều này cho thấy FED dự kiến tăng lãi suất ổn định trong thời gian tới, song cũng có thể phải tăng tốc hoặc chậm lại để đối phó với các tình huống và tình hình thay đổi nhanh chóng.