Nhận định trên được đưa ra trong biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - diễn ra ngày 4-5/11 và được công bố ngày 25/11.
Chủ tịch FED Jerome Powell đã hối thúc các nhà lập pháp Mỹ nhanh chóng thông qua gói kích thích mới nhằm đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi "vũng lầy" đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về gói cứu trợ này giữa các nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã rơi vào bế tắc do bất đồng trong nhiều vấn đề. Do vậy, trong biên bản cuộc họp, các quan chức FED nêu rõ việc thiếu gói kích thích kinh tế mới sẽ khiến nhiều hộ gia đình Mỹ gặp phải nhiều khó khăn lớn. Theo FOMC, các khoản tiền tiết kiệm sẽ chỉ giúp các hộ gia đình Mỹ duy trì chi tiêu cơ bản đến hết năm nay.
Theo một số ý kiến, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tiếp tục đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế, trong khi bất đồng ngày càng sâu sắc trong chính giới về gói cứu trợ mới làm tăng gia tăng các rủi ro và phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế nước này.
Giới chức FED đang cân nhắc về những thay đổi trong thời gian tới liên quan đến chiến lược mua tài sản tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế cụ thể, qua đó hỗ trợ nền kinh tế đi vào ổn định.
Theo chuyên gia Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của công ty tài chính Grant Thornton, nền kinh tế Mỹ đang mất động lực sau khi tăng trưởng vào mùa Hè vừa qua. Cũng như nhiều chuyên gia khác, bà dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sụt giảm mạnh trong quý IV năm nay và tình trạng sẽ tiếp tục kéo dài sang quý đầu năm sau.
Trong hai phiên họp bất thường vào tháng 3 vừa qua, FED đã hạ lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0, đồng thời bắt đầu mua lượng lớn trái phiếu kho bạc và trái phiếu được đảm bảo bằng thế chấp nhằm hỗ trợ thị trường tài chính. Cơ quan này còn đưa ra các chương trình cho vay mới lên tới 2.300 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Đầu tháng này, FED tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản gần bằng 0, duy trì chương trình mua tài sản.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ bị thất nghiệp và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, đã hết hạn và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới ước tính khoảng 2.000 tỷ USD.