Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Powell cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với một môi trường toàn cầu "không chắc chắn" và có thể chứng kiến lạm phát tăng bất ngờ. Ông nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách hiểu được những khó khăn do giá cả tăng cao và cam kết giảm lạm phát, hiện đã lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Theo ông, kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh và có thể thích nghi với việc siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, trong khi việc giảm lạm phát cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của thị trường lao động. Khi được hỏi về nguy cơ suy thoái, Chủ tịch FED thừa nhận dù đây không phải là điều mong muốn, song khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Diễn biến trên khắp thế giới trong những tháng vừa qua cho thấy rất khó để đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% và vẫn đảm bảo được thị trường lao động tăng trưởng tốt. Ông Powell cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần linh hoạt hơn bởi nền kinh tế có thể phát triển theo nhiều hướng bất ngờ.
Kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 nhờ chi tiêu tăng mạnh, từ đó giúp việc làm tăng nhanh và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống gần mức thấp nhất trong 50 năm. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở, ô tô và các mặt hàng khác lại không được đáp ứng do tình trạng gián đoạn nguồn cung tại những nơi COVID-19 vẫn hoành hành. Điều này đã đẩy lạm phát lên cao và càng trở nên nghiêm trọng hơn sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga khiến giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell lưu ý rằng lạm phát tăng cao là xu hướng toàn cầu, chứ không phải chỉ riêng ở nước Mỹ. Nhiều ngân hàng trung ương cũng đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù có nhiều yếu tố thúc đẩy lạm phát nằm ngoài kiểm soát của FED, song ông chỉ ra rằng biện pháp tăng lãi suất vẫn có tác động khi giảm bớt đầu tư và các hoạt động trong lĩnh vực nhà ở do chi phí thế chấp tăng lên.
FED đang chịu nhiều áp lực trong việc ứng phó với những thay đổi của nền kinh tế, vốn được hưởng lợi nhiều từ các gói kích thích của chính phủ liên bang. Tuần trước, ngân hàng này đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm và cam kết sẽ có thêm các động thái tương tự để chống lại đà tăng giá, trong đó giá xăng và thực phẩm đang phi mã, khiến hàng triệu người Mỹ phải chật vật chi tiêu. Chủ tịch Powell cũng không loại trừ một đợt tăng lãi suất tương tự vào tháng 7.
Sau tuyên bố của Chủ tịch FED về nguy cơ suy thoái, chứng khoán Mỹ đã lập tức giảm điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/6, chỉ số Dow Jones đã giảm 0,2% xuống 30.483,13 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã lần lượt giảm 0,1% và 0,2% xuống còn 3.759,89 điểm và 11.053,08 điểm.
Trong khi đó, giá dầu cũng đi xuống do lo ngại về nguy cơ nhu cầu suy yếu khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 2,5% xuống 111,74 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 3% xuống 106,19 USD/thùng.