FED duy trì lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong năm 2018 lên mức cao nhất trong một thập niên qua. Bước đi này không nằm ngoài dự báo.

Bước đi này không nằm ngoài dự báo trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới tiếp tục tăng trưởng vững chắc, lạm phát bắt đầu tăng và lương thưởng của người lao động được cải thiện. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khép lại cơ hội vay tiền của người dân Mỹ, cũng như gây áp lực cho một số nền kinh tế trên thế giới.

Trụ sở FED tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài trong hai ngày 20-21/3, FED cho biết dựa trên đánh giá tình hình lạm phát và thị trường lao động, cơ quan này đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, lên phạm vi 1,5-1,75%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ tháng 12/2017 và là lần tăng thứ 6 kể từ tháng 12/2015. Cùng với việc tiếp tục cắt giảm danh mục đầu tư trái phiếu, các bước đi mới nhất của FED phản ánh sự lạc quan của cơ quan này rằng nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng vững mạnh sau gần 9 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 kết thúc.

Theo báo cáo kinh tế công bố hàng quý, FED dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt lần lượt 2,7% trong năm 2018 và 2,4% trong năm 2019. Tỷ lệ lạm phát dự kiến chốt năm 2018 ở mức 1,9%, giữ nguyên so với dự báo trước đó, song sẽ tăng chút ít và vượt mức mục tiêu 2% trong năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp lịch sử cũng đang tiếp tục giảm, dự kiến chốt năm 2019 ở mức 3,6%, và duy trì trong dài hạn ở mức 4,5%. Các nhà kinh tế lạc quan cho rằng việc thắt chặt các điều kiện trên thị trường lao động sẽ thúc đẩy tăng lương trong nửa cuối năm nay, qua đó hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng, vốn đã tăng chậm lại từ đầu năm.

Trong cuộc họp đầu tiên trên cương vị Chủ tịch FED, ông Jerome Powell đã chỉ ra những yếu tố thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong những tháng gần đây, trong đó có chính sách tài chính "kích thích hơn" sau khi Quốc hội Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái thông qua dự luật cắt giảm thuế tham vọng. Ông Powell cho biết số việc làm mới tiếp tục được tạo ra đang giúp nền kinh tế Mỹ tăng nguồn thu. Với những chỉ dấu lạc quan này, giới chức FED đã để ngỏ khả năng tiến hành thêm 2 đợt tăng lãi suất ngân hàng trong năm nay, hướng tới một lộ trình nâng lãi suất mạnh mẽ hơn trong năm 2019.

FED cho biết tỷ lệ lãi suất cơ bản có thể sẽ khép lại năm 2018 ở mức 2,1%, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 2 đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay (không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2017), và có thể sẽ tăng lên mức 2,9% vào cuối năm 2019 - tức là 3 lần tăng lãi suất, thay vì chỉ 2 lần như dự đoán trước đây. Trước đó, ông Jerome Powell cho rằng FED không tìm thấy bất kỳ lý do gì để đảo ngược lộ trình tăng dần lãi suất và sẽ nâng lãi suất với tốc độ đủ chậm để cả tăng trưởng lương và lạm phát, hiện đang ở dưới mức mục tiêu 2% trong 6 năm, có thể cùng tăng, trong khi đảm bảo rằng nền kinh tế không quá nóng.

Chuyên gia kinh tế Brian Coulton thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch có trụ sở ở London (Anh) cho rằng FED dường như đang tìm cách giành lại được lòng tin. Trong khi đó, nhà phân tích thị trường thuộc hãng John Hancock Investments, Matt Miskin, nhận định những chỉ đạo của FED về các đợt tăng lãi suất trong tương lai có phần "cứng rắn" hơn so với trước đây, và năm 2019 sẽ là một năm chứng kiến các đợt tăng lãi suất nhanh và dày hơn.

Trên thực tế thì nội bộ FED vẫn tranh cãi về số lần tăng lãi suất trong năm 2018. Hồi cuối năm ngoái, FED từng công bố kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 và 1 lần trong năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch này được đưa ra trước khi lương tăng mạnh trong tháng 1, kéo theo nhiều đồn đoán về khả năng FED sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn nhằm ngăn chặn lạm phát. Một số quan chức cho rằng việc tăng lãi suất 3 lần là chưa đủ vì việc duy trì lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính trong tương lai cũng như thắt chặt thị trường lao động, viện dẫn tỷ lệ thất nghiệp hiện đang là 4,1% - mức thấp nhất trong 17 năm qua và có thể tiếp tục giảm. Theo họ, cần có thêm số lần tăng lãi suất nếu xảy ra một trong các nguy cơ như lạm phát bất ngờ tăng nhanh hơn khi thuế doanh nghiệp và cá nhân được cắt giảm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 có thể là quá nhanh và có thể ảnh hưởng đến việc đưa lạm phát lên mức 2% như mục tiêu FED đã đề ra.

Mặc dù việc FED tăng lãi suất ngân hàng là bước đi đã được dự báo, song người dân Mỹ sẽ không thể tránh khỏi những tác động. Theo các chuyên gia, động thái trên sẽ khiến khách hàng phải chịu những mức lãi suất cao hơn đối với tất cả các hình thức vay tiền mua ô tô, nhà ở, kéo theo doanh số bán những mặt hàng này sẽ giảm. Hệ quả là các công ty giảm bớt hoạt động đầu tư và tuyển dụng lao động, khiến sức ép tăng lương giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và dẫn đến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm. Những ảnh hưởng này có nguy cơ kìm hãm hoạt động của nền kinh tế đầu tàu thế giới, trong bối cảnh năm 2018 được coi là một năm bản lề đối với nền kinh tế Mỹ.

Thị trường tài chính thế giới cũng đã có những phản ứng tức thì sau khi FED công bố mức lãi suất mới. Đồng USD đã giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,693 điểm (0,77%) xuống 89,678, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 24/1 khi chỉ số đồng USD giảm 1%. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đều đi xuống vào cuối phiên giao dịch ngày 21/3.

Việc đồng USD giảm giá sau khi FED tăng lãi suất cho thấy áp lực mất giá đối với USD vẫn tiếp tục được duy trì khi nền kinh tế toàn cầu giữ nhịp tăng trưởng khả quan như hiện nay. Thông thường, khi lãi suất USD tăng thì nhu cầu USD cũng tăng, bởi các nhà đầu tư sẽ mua vào USD để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dù năm nay FED có thể đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất, thì cũng khó ngăn chặn đồng USD tiếp tục sụt giảm, bởi không chỉ Mỹ mà phần còn lại của thế giới cũng hướng tới tăng lãi suất.

Ngoài ra, mỗi khi FED tăng lãi suất đều tác động và gây bất lợi cho chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trong trung và dài hạn do dòng vốn sẽ bị rút dần ra, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, trong khi chi phí đi vay đối với các nước đang và chậm phát triển sẽ cao hơn.

Đơn cử như Hàn Quốc, Thứ trưởng Tài chính Ko Hyung-kwon cảnh báo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc sẽ bị hạn chế, gây bất ổn cho thị trường tài chính nước này. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) Lee Ju-yeo cảnh báo việc ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính Hàn Quốc. Ông Lee Ju-yeol nhận định FED vừa có một bước đi mà ông cho là "cứng rắn hơn", đồng thời cảnh báo trong năm 2019 FED có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ông cho biết BOK sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tài chính-kinh tế ở trong nước và nước ngoài và đưa ra một thời điểm thích hợp nhất để nâng tỷ lệ lãi suất của Hàn Quốc hiện ở mức 1,5%. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này lần đầu tiên trong 10 năm qua có tỷ lệ lãi suất cơ bản thấp hơn Mỹ. BOK dự kiến tổ chức một cuộc họp về chính sách tiền tệ vào tháng 5 tới. Dự kiến, Cơ quan Giám sát tài chính của Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các lãnh đạo cấp cao các ngân hàng trong ngày 22/3 và kêu gọi họ thực hiện các bài "kiểm tra áp lực" về khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

Theo các chuyên gia, trước diễn biến mới song không gây bất ngờ của FED, ngân hàng trung ương các nước cần sẵn sàng có những điều chỉnh chính sách của riêng mình nhằm thích ứng với những hoàn cảnh mới. Trong phản ứng mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - ngân hàng trung ương) ngày 22/3 đã quyết định nâng lãi suất thị trường ngắn hạn lần đầu tiên trong năm nay. PBOC thông báo tăng lãi suất thêm 5 điểm cơ bản (BPS) đối với các thỏa thuận mua lại (reverse repo) áp dụng cho các hoạt động thị trường mở. Cụ thể, lãi suất đối với các reverse repo kỳ hạn 7 ngày tăng từ mức 2,50% lên 2,55%. Trước đó cùng ngày, PBOC đã bơm 10 tỷ Nhân dân tệ  (1,58 tỷ USD) vào thị trường thông qua các reverse repo.  
 
Phan An (TTXVN)
Chứng khoán, đồng USD đồng loạt giảm sau khi FED tăng lãi suất
Chứng khoán, đồng USD đồng loạt giảm sau khi FED tăng lãi suất

Thị trường thế giới đã có những phản ứng đầu tiên ngay sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% vào rạng sáng nay 22/3 (theo giờ Việt Nam). Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED trong năm 2018 dựa trên triển vọng tăng trưởng vững mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN