Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong một tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED cho biết sau khi đánh giá tình hình lạm phát và thị trường lao động, cơ quan này đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lên phạm vi 1,5-1,75%.
Sau khi FED quyết định tăng lãi suất, đồng USD đã giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Chỉ số đồng USD, được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,693 điểm (0,77%) xuống 89,678, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 24/1 khi chỉ số đồng USD giảm 1%.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đều đi xuống vào cuối phiên giao dịch ngày 21/3.
Tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều giảm 0,2% lần lượt rơi xuống mức gần 24.682,31 điểm và 2.711,93 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng để mất 0,3% xuống 7.345,28 điểm.
Cũng cuối phiên giao dịch này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đều đi xuống. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) đã giảm 0,3% xuống 7.038,97 điểm, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) vẫn như cũ ở mức 12.309,15 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng giảm 0,2% xuống 5.239,74 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,3% xuống 3.401,04 điểm.
Lo ngại về một cuộc chiến thương mại sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đang có kế hoạch thực hiện các biện pháp trả đũa trước việc Mỹ áp thuế đối với thép nhập khẩu cũng khiến giá hàng hóa tăng, mặc dù tình hình căng thẳng ở Trung Đông đã hỗ trợ giá dầu trong ngày 21/3. Giá dầu thô ở mức cao trong 6 tuần qua nhờ lượng hàng tồn kho của Mỹ giảm tuân theo quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng như những lo ngại liên quan tới thỏa thuận hạt nhân của Iran. Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch cuối ngày 21/3 đã tăng 2,05 USD lên tới 69,47 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,63 USD lên 65,17 USD/thùng.