Xí nghiệp đường Cà Mau đang gặp khó khăn trước biến động về giá và sản phẩm rất khó tiêu thụ. Hiện nay, Xí nghiệp tồn kho gần 1.000 tấn đường sơ chế sản xuất từ năm ngoái.
Ông Vưu Văn Út, Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam cho biết: Giá đường từ 16.500 đồng/kg nay giảm chỉ còn 14.800 đồng/kg. Đường rớt giá nhưng lại rất khó tiêu thụ nên Công ty rơi vào khó khăn, kéo theo việc ấn định giá sàn thu mua mía nguyên liệu của nông dân cũng bị ảnh hưởng.
Vụ mía năm nay, Xí nghiệp định giá thu mua mía nguyên liệu 800 đồng/kg tăng 50 đồng/kg so với vụ mía trước. Thế nhưng, người trồng mía vẫn không thu được lãi cao, vì giá thuê nhân công, phân bón…đều tăng. Nếu chăm sóc đúng quy trình thì ruộng mía phát triển tốt cho năng suất từ 90 - 100 tấn/ha, đạt chữ lượng cao, nông dân mới có lãi.
Ngay từ đầu vụ, Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam đầu tư giống mía năng suất cao, phân bón, cải tạo đất…trị giá khoảng 4 tỷ đồng đồng thời ký hợp đồng thu mua nguyên liệu mía của nông dân để thu hồi nợ.
Ông Út cho biết: Công ty đầu tư cho hộ mới cải tạo đất trồng mía 27 triệu đồng/ha, đầu tư chăm sóc 10 triệu đồng/ha. Ba năm trước đây, Công ty đầu tư không tính lãi, nay do sản xuất quá khó khăn nên thỏa thuận với nông dân thu lãi suất thấp bằng lãi suất Ngân hàng Nông nghiệp.
Hiện nay, Cà Mau có diện tích trồng mía 1.800 ha, tăng 200 ha so vụ mía năm trước; tập trung chủ yếu ở các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch (huyện Thới Bình), Khánh An, Khánh Lâm, Nguyễn Phích (huyện U Minh). Vụ mía năm nay, Xí nghiệp đường Cà Mau phấn đấu sản lượng mía ép đạt 140.000 tấn, sản xuất 11.200 tấn đường.
Xí nghiệp đường Cà Mau có công suất thiết kế 1.000 tấn mía/ngày. Vào thời điểm đầu vụ, do nguồn nguyên liệu tại chỗ không cung ứng đủ cho nhà máy nên bình quân mỗi ngày Xí nghiệp thu mua đến 70% sản lượng mía nguyên liệu ở các tỉnh chạy lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cục bộ.
TTXVN/ Tin Tức