Đường hỏng nhưng chậm được sửa chữa dù trong thời gian bảo hành

Trước tình trạng nhiều công trình hạ tầng giao thông đường bộ mới đưa vào khai thác, chưa hết thời gian bảo hành, bảo trì theo hợp đồng đã bị hư hỏng, xuống cấp, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình vi phạm, không bảo hành, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xử lý nghiêm để răn đe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam dẫn chứng nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn, mới đưa vào khai thác đã liên tục gặp sự cố về chất lượng công trình, đặc biệt có dự án vừa mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai), dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Điều này đặt ra nghi ngại về chất lượng của các công trình giao thông hiện nay.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có kinh phí gần 250 tỷ đồng, dài hơn 10,8 km, khởi công tháng 5/2018 và mới hoàn thành tháng 6/2019. Tuy nhiên, ngày 3/9 vừa qua, dự án đã xuất hiện sụt lún khoảng 130 m. Theo lý giải của Bộ GTVT, vừa qua, khu vực Gia Lai mưa lớn kéo dài, đặc biệt từ ngày 23/8 - 3/9, tại địa bàn huyện Chư Sê xảy ra nhiều trận mưa lớn, nên đoạn đường từ km10+200 - km10+330 trên tuyến có hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường.

Chú thích ảnh
Đơn vị thi công của VIDIFI sửa chữa quốc lộ 5 tạm thời.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có mức đầu tư trên 34.000 tỷ đồng, sau khi đưa vào khai thác được một năm đã bị hư hỏng, gây bức xúc dư luận. Chỉ mới sau hơn một năm đưa vào khai thác 65 km đầu tuyến thuộc đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (từ tháng 8/2017), khoảng cuối tháng 9/2018 đã xuất hiện hằn lún; trong đó, nhiều vị trí xuất hiện ổ voi, ổ gà. một số cầu, cống chui dân sinh trên tuyến xuất hiện thấm nước. Trong khi đó, các công trình này đều có thời gian bảo hành từ 2 – 4 năm…

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, pháp luật đã quy định rõ về trách nhiệm, thủ tục xử lý đối với hư hỏng công trình trong thời gian bảo hành, song, có không ít công trình đưa vào khai thác bị hư hỏng, xuống cấp trong thời gian bảo hành, nhưng chủ đầu tư chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu thi công sửa chữa kịp thời hoặc cố tình chậm sửa chữa khắc phục, dây dưa kéo dài. Hậu quả của việc thiếu trách nhiệm bảo hành đã và đang làm cho hư hỏng công trình giao thông không được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình, gia tăng nguy cơ mất an toàn, tai nạn.

Trước thực tế này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục quản lý đường bộ, Sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện hư hỏng, xuống cấp của công trình và yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm sửa chữa, thực hiện trách nhiệm bảo hành theo đúng Điều 36 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc sửa chữa khắc phục của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp dự án trong thời gian bảo hành và thống kê danh sách chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm.

Đối với việc thực hiện không đúng trách nhiệm bảo hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu, đối với dự án BOT có thu phí tùy theo mức độ vi phạm, các Sở GTVT, Cục quản lý đường bộ có thể kiến nghị xử lý hành chính; giảm chi phí bảo trì; dừng thu phí; xử lý vi phạm hợp đồng. Với các dự án đầu tư công, dự án BT, dự án khác, kiến nghị chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu, thu bảo lãnh, giảm hoặc thu tiền bảo hành theo hợp đồng; cấm nhà thầu tham gia đấu thầu; đưa vào đánh giá hạn chế về năng lực khi tổ chức lựa chọn nhà thầu; kiến nghị Bộ GTVT xử lý chủ đầu tư; giảm, giãn khi xét giao làm chủ đầu tư.

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, các đơn vị phải báo cáo trung thực về chất lượng công trình khi hết thời gian bảo hành, chịu trách nhiệm về nội dung chất lượng mà mình đã báo cáo, kiến nghị đồng ý hết bảo hành hoặc không chấp nhận xác nhận hết bảo hành. Kiên quyết không kiến nghị và không xác nhận hết bảo hành công trình đối với trường hợp hết thời hạn bảo hành mà công trình có hư hỏng, khiếm khuyết.

Ngoài ra, đối với các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị đôn đốc quyết liệt nhà thầu sửa chữa khắc phục kịp thời hư hỏng, khiếm khuyết trong thời gian bảo hành theo đúng quy định của Nghị định số 46/2015 và các quy định của pháp luật. Kiểm tra giám sát chặt việc thực hiện khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết của nhà thầu.

"Bộ GTVT sẽ nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án, gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể đối với kết quả, hiệu quả thực hiện các dự án. Kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng… Trong quá trình xử lý các sự cố về chất lượng công trình phải xử lý tới cùng, tìm ra nguyên nhân để quy trách nhiệm cá nhân, tập thể trực tiếp gây ra lỗi để kỷ luật. Nếu cá nhân, tập thể nào sai đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, từ đó mới có thể răn đe, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh về chất lượng công trình", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Vân Sơn/Báo Tin tức
Không thể chần chừ ứng dụng công nghệ mới trong bảo trì đường bộ
Không thể chần chừ ứng dụng công nghệ mới trong bảo trì đường bộ

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu đẩy mạnh áp dụng thiết bị, công nghệ mới vào quản lý, bảo trì đường bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN