Đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Vì vậy, các tỉnh miền Tây đang khẩn trương gia cố đê bao để bảo vệ diện tích lúa.
Trao đổi với báo chí, TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, cần tìm các mô hình sản xuất phù hợp để sống chung với lũ, tận dụng được những mặt tích cực mà mùa lũ mang lại.
Lũ ở ĐBSCL dường như ngày càng có tác động tiêu cực tới nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn, quan điểm của ông về vấn đề này?
Lũ ở ĐBSCL bồi đắp lượng phù sa khổng lồ cho đồng bằng, giúp vệ sinh đồng ruộng, mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, tạo điều kiện cho người dân sống cùng mùa lũ, mưu sinh cùng lũ. Trái lại, lũ làm ngập lụt diện tích lúa lớn. Vấn đề này có thể khắc phục từ chính tư duy sản xuất của con người.
Nông dân các địa phương không nên đặt quá nặng trách nhiệm vào cây lúa, có thể chuyển đổi một vụ lúa sang các cây, con khác. Thực tế, nhiều địa phương trong vùng đã xây dựng được những mô hình nuôi cá, tôm càng xanh rất hiệu quả trong mùa nước nổi, nên nhân rộng cách làm này, thay vì chỉ trông chờ vào một vụ lúa thu đông.
Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, vì vậy, nông dân, các địa phương phải bám sát các định hướng sản xuất của Cục Trồng trọt, tìm một cơ cấu sản xuất phù hợp cho mùa lũ. Chúng ta phải thích ứng với lũ, tận dụng nó để mang lại lợi nhuận, chứ không phải chỉ đối phó bằng một con đê.
Trước những diễn biến phức tạp của mùa lũ ở ĐBSCL, nông dân nên sản xuất lúa theo hướng nào, thưa ông?
Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã phối hợp với ngành Thủy lợi, Khí tượng thủy văn dự báo rất tốt về vấn đề lũ trong khu vực, từ đó đưa ra bản đồ xuống giống lúa vụ thu đông đến từng huyện, xây dựng cả bản đồ giống cho phù hợp với nguyên tắc, chỉ trồng lúa vụ thu đông ở những nơi đủ điều kiện cho phép.
Tinh thần sống chung với lũ, nương theo lũ được thể hiện rất rõ. Ngay cả cơ cấu giống, Cục Trồng trọt cũng xây dựng bộ giống cho từng địa phương, với nguyên tắc sử dụng giống chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn để chạy đua với lũ.
Nhưng có một số địa phương chưa thực sự bám sát chỉ đạo này của Bộ NN&PTNT để từ đó khuyến cáo, giám sát người dân thực hiện sản xuất cho phù hợp. Thực tế, địa hình của khu vực ĐBSCL rất đa dạng, vì vậy, các địa phương nên vận dụng linh hoạt bản đồ xuống giống, áp dụng cơ cấu sản xuất hợp lý thì mới tận dụng được những mặt tích cực mà mùa lũ mang lại, thay vì sản xuất một cách bị động như hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương chưa thực hiện đúng theo khuyến cáo, khiến nhiều người nông dân mất trắng đồng ruộng . Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước đây, khi hệ thống đê bao vùng ĐBSCL chưa được xây dựng và hoàn thiện, ngành chức năng, các địa phương không khuyến khích nông dân xuống giống vụ lúa thu đông vì thời điểm thu hoạch thường trùng với mùa lũ.
Những năm gần đây, khi hệ thống đê bao ở một số địa phương dần hoàn thiện, Cục Trồng trọt mới đưa ra khuyến cáo có thể mở rộng diện tích lúa thu đông ở những vùng đáp ứng đủ điều kiện hạ tầng (có đê bao ngăn mặn, lũ); còn những vùng không có đủ điều kiện tuyệt đối không nên xuống giống vụ lúa thu đông mà chuyển sang các cây trồng khác thích ứng được với mùa lũ hoặc nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, do năng suất lúa vụ thu đông thường cao hơn vụ lúa hè thu nên nhiều nông dân vẫn xuống giống gieo cấy, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Năm nay, lũ cao hơn so với mọi năm nên thiệt hại của nông dân cũng lớn hơn.
Có thể thấy, những định hướng sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết, khí hậu đã được đề xuất, nhưng các địa phương chưa giám sát thật chặt chẽ việc sản xuất theo quy hoạch, để nông dân xuống giống lúa ở những diện tích không phù hợp. Cho đến nay, vẫn chưa có chế tài nào để xử lý vấn đề vượt khuyến cáo nên cũng khó cho ngành chức năng, các địa phương.
Do vậy, những địa phương có địa hình đất cao, không bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh có thể xuống giống vụ thu đông; những vùng trũng, ngập sâu như Đồng Tháp, An Giang, Long An thì không nên xuống giống. Tuyệt đối phải tuân thủ nguyên tắc, gieo trồng lúa thu đông ở những diện tích đã có hệ thống đê bao.
Xin cảm ơn ông!