Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 3: Sẽ không còn mùa lũ 'đẹp'

Bên cạnh những lợi ích mà lũ mang lại cho Đồng bằng sông Cửu Long như các loại thủy sản, phù sa thì việc lũ về sớm cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất lúa của nông dân.

Ngoài ra, dù có lũ nhưng nguồn lợi từ lũ đang ngày càng ít đi, nếu không muốn nói là đang suy giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nông dân vùng này cần phải sớm tìm sinh kế khác ổn định hơn khi mà biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường.

Trở tay không kịp do lũ về sớm

Dọc các cánh đồng trồng lúa xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (tỉnh An Giang), người dân hoàn toàn bất ngờ khi gần 100 ha lúa Thu Đông sớm sắp thu hoạch đều bị ngập đến gần cổ bông, thậm chí nhiều khu vực bị lũ nhấn chìm, nông dân gần như mất trắng.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An giúp người dân xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) thu hoạch lúa Hè Thu chạy lũ sớm. Ảnh: Trần Hữu Hiếu/ TTXVN

Anh Võ Văn Thuồng, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú cho biết, diện tích đất nhà anh chỉ có 2 công (2.000m2) nhưng nhiều năm nay trồng lúa 3 vụ/năm đều thắng lợi. Bởi vậy, vụ này gia đình thuê thêm 14 công ruộng gần nhà với giá 2 triệu đồng/công để trồng lúa vụ 3. Nhưng năm nay, lũ về sớm và lớn hơn mọi năm nên anh trở tay không kịp; 16 công ruộng chỉ thu hoạch được 16 bao lúa non, ướt và không biết bán cho ai.

Ông Võ Văn Viên, Phó trưởng ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ, toàn ấp Vĩnh An có gần 60 hộ dân canh tác ngoài đê bao với diện tích gần 70 ha lúa đa phần bị nhấn chìm; trong đó, có khoảng 95% diện tích bị ngập sâu và gần như mất trắng. Thông thường, ở các nơi khác ngoài đê bao chỉ làm hai vụ Đông Xuân và Hè Thu nhưng người dân nơi đây đã tranh thủ gieo cấy thêm vụ Thu Đông (vụ 3) để tăng thu nhập.

Những năm trước, vụ Thu Đông thắng lợi do lũ nhỏ, về muộn, thậm chí không về. Tuy nhiên, năm nay, do lũ bất ngờ về sớm hơn gần 1 tháng nên người dân trở tay không kịp. Mặc dù khi phát hiện lũ về, nhiều người đã chủ động hùn tiền với nhau đắp đê tạm ngăn lũ nhưng vẫn không ngăn được nước tràn vào gây ngập đồng, thất thu.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho hay, vụ Thu Đông năm 2017, huyện An Phú có khoảng 7.000 ha lúa và hoa màu; trong đó, lúa chiếm khoảng 5.000 ha. Hiện toàn huyện thu hoạch gần xong. Tuy nhiên, lũ về sớm đã gây ra một số thiệt hại cho người dân ở một số xã như Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc,…

Cũng theo ông Tâm, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo tuyệt đối không xuống giống ở những diện tích ngoài đê bao để tránh thiệt hại nhưng bà con không nghe. Chính vì vậy, tại xã Vĩnh Hội Đông có gần 70 ha lúa mất trắng do lũ.

Việc nước lũ từ đầu nguồn về sớm kết hợp với lượng mưa lớn trong nội địa đã làm cho nhiều diện tích lúa Hè Thu tại tỉnh Long An chưa kịp thu hoạch bị ngập sâu trong nước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, khu vực có lúa bị thiệt hại nhiều nhất là tại huyện Tân Hưng với gần 3.500 ha; trong đó, có hơn 125 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, hơn 900 ha lúa phải thu hoạch sớm để chạy lũ nên năng suất bị giảm nghiêm trọng.

Trước tình hình lũ về sớm, Sở đã gửi công văn thông báo tình hình để các địa phương chủ động phòng chống thiên tai. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường gia cố đê bao nhằm chống ngập cho những diện tích lúa chưa thu hoạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại,. Bên cạnh đó, kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi, có kế hoạch vận hành các cống thủy lợi để đảm bảo tiêu, thoát nước.

Nguồn lợi tự nhiên ngày càng ít

Lũ về, khắp cánh đồng vùng thượng nguồn tỉnh An Giang vẫn tấp nập người dân đánh bắt thủy sản “lộc trời cho”. Tuy nhiên, mặc dù lũ về sớm nhưng năm nay sản lượng tôm, cá và các sản vật khác ngày một ít đi.

Giữa cánh đồng bao la, bốn bề là nước, anh Trương Văn Lợi ở ấp Phú Trung, xã Phú Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho hay, năm nay thấy nước về sớm, vợ chồng anh đầu tư 1.000 m lưới để đánh bắt cá linh. Thế nhưng, cá chỉ “chạy” được một vài ngày đầu, đến nay thì ít dần. Một ngày, vợ chồng anh Lợi chỉ kiếm được tầm 8-10 kg cá linh, thua xa những mùa trước.

Cùng nỗi lo trên, anh Nguyễn Hoàng Gấm, ở ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu (An Giang) bày tỏ, gia đình anh cũng đầu tư 300m lú đặt trên cánh đồng xã Vĩnh Hậu (huyện An Phú) những ngày nhiều nhất cũng chỉ được 15-20 kg cá các loại. Với giá bán hiện nay từ 5.000 - 10.000 đồng/kg thì anh không đủ tiền mua cừ tràm đặt lú và đổ xăng chạy ghe.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái cho biết, việc lũ về sớm nhưng cá tôm ít có thể giải thích do những năm trước dù lũ ít, hoặc không có lũ nhưng người dân vẫn khai thác, đánh bắt thủy sản trong thời gian này. Do đó, dù năm nay có lũ sớm, mực nước cũng khá cao nhưng lượng thủy sản tự nhiên theo lũ về Đồng bằng sông Cửu Long lại giảm hơn các năm trước do không sinh sản kịp.

Bên cạnh nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm thì phù sa, thứ dưỡng chất chủ yếu mà lũ mang về để bồi đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ngày một suy giảm do các hoạt động xây đập thủy điện ở thượng nguồn.

Theo thống kê, đến cuối năm 2016, lượng phù sa về đến Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 85 triệu tấn, giảm gần một nửa so với trước năm 2009 (khoảng 160 triệu tấn). Các chuyên gia cảnh báo, nếu toàn bộ các đập thủy điện đang được triển khai trên dòng chính sông Mê Kông đi vào hoạt động, thì lượng phù sa này sẽ còn tiếp tục giảm.

Thanh Liêm - Công Mạo - Trường Giang (TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 1: Sinh kế của người nghèo
Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài 1: Sinh kế của người nghèo

Từ cuối tháng 7, lũ đã về sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long, mang theo phù sa cùng nhiều sản vật của mùa nước nổi. Năm nay, lũ dự báo sẽ cao hơn mọi năm dù có thể chưa bằng đỉnh lũ 2011.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN