Nói đến lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bây giờ người dân trong vùng không còn sợ hãi hay lo lắng như thời điểm cách nay 15 - 20 năm trước, minh chứng là người dân đã chuyển từ “lũ” sang một cách gọi “thân thương”: Mùa nước nổi. Cách thay đổi tên gọi, nó cũng giống như cách mà người dân ĐBSCL thích ứng và sống hòa mình với con nước đã có từ khi hình thành vùng đất này. Thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người (chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước), có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. |
ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới...
Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan; khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và các hoạt động nhân sinh khác cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý Nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.
Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.
Theo đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mê Kông, trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, truyền thống văn hóa quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Qua hội nghị này, các tỉnh trong vùng nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.
Tìm ra các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hoá các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Niềm vui theo con nước...
Theo số liệu quan trắc của ngành chức năng, đầu tháng 8, mưa lớn hơn mọi năm cộng với mực nước sinh lũ đầu nguồn cao đã làm cho mực nước các sông tại ĐBSCL lên nhanh. Tại huyện Tân Châu (An Giang) đạt mức 2,63m, Châu Đốc 2,27m và nếu so với những năm gần đây, mực nước cao và sớm hơn, thậm chí cao hơn so với thời điểm năm 2011. Theo dự báo, đỉnh lũ năm 2017 có khả năng sẽ xảy ra vào nửa đầu tháng 10 ở mức báo động 2 đến báo động 3 (mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu từ đạt từ 4,0 - 4,5 m, sông Hậu tại trạm Châu Đốc đạt từ 3,5 - 4,0 m). "Đỉnh lũ năm 2017 sẽ xấp xỉ năm 2016 và tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh hơn bình thường. Nguyên nhân do mưa lớn cực đoan xuất hiện, tập trung nhiều ngày trên khu vực thượng nguồn sông Mê Kông kết hợp với việc điều tiết dòng chảy từ thượng nguồn của các hồ thủy điện.
Trong khi đó theo dự báo khí hậu toàn cầu, sau giai đoạn của chuỗi El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến năm 2016, khi kết thúc có khả năng chuyển sang La Nina vào giữa năm 2017 sẽ xuất hiện thời tiết cực đoan, mưa trái mùa vượt đến 70%", ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, cho biết. Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng lũ sớm, lũ lớn năm 2017 ở ĐBSCL" do Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tổ chức tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) mới đây, các chuyên gia cho rằng thiệt hại do lũ, ngập lụt có thể sẽ gây ra trong năm 2017.
Vì thế các địa phương cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết, thủy văn lưu vực sông Mê Kông để chủ động ứng phó kịp thời. Với hệ thống đê bao ở ĐBSCL như hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, vùng cù lao... nỗ lực đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cụm, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp trong đê bao; cũng như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong khu vực về ứng phó với thiên tai, lũ lụt nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trồng màu trong các vùng đê bao an toàn thay cho cây lúa đang được nhiều người dân huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) lựa chọn khi lũ về. |
Từ sau mùa lũ năm 2011 cho đến nay, năm nào người dân các tỉnh ĐBSCL cũng bâng khuâng vì mực nước lũ đều thấp, thậm chí như năm 2015 - 2016 đỉnh lũ còn tụt đáy thuộc diện thấp nhất lịch sử đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân. Lũ về sẽ mang lại phù sa cho cả khu vực ĐBSCL, rửa sạch các loại dịch bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất giúp sản xuất thuận lợi hơn và mang lại nhiều nguồn lợi thủy sản (đánh bắt, nuôi trồng...).
"Mùa lũ năm nay đã đem lại sản lượng thủy sản rất lớn cho các huyện đầu nguồn ĐBSCL. Ngay từ cuối tháng 6 (âm lịch) khi thấy nước sông đổ về, người dân những làng nghề truyền thống đan lọp, lờ, thuyền... đánh bắt cá đã nhanh tay đẩy nhanh tiến độ công việc làm ăn. Rất nhiều hộ dân ở các huyện đầu nguồn đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, tăng sản lượng ngư cụ sẵn sàng cho một mùa đánh bắt thủy sản", ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang, cho hay.
Theo các nhà khoa học, lũ về mang lại nguồn lợi có tác dụng ngâm đất diệt trừ mầm bệnh, rửa phèn, vừa mang lại một lượng phù sa khổng lồ để bón cho đồng ruộng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nhờ nguồn thủy sản dồi dào. Ngược lại, lũ không về hoặc về ở mực nước thấp sẽ làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp gia tăng nhiều hơn vì phải gia tăng phân bón, thuốc trừ sâu; đặc sản mùa nước nổi không có điều kiện phát triển...
Năm nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án khai thác tài nguyên mùa nước nổi với hàng chục mô hình sản xuất được phân theo 3 nhóm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề dịch vụ. Ngoài việc khai thác nguồn lợi tự nhiên như bắt ốc bươu vàng làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, cua đồng... hàng chục ngàn hộ nông dân nghèo được hướng dẫn kỹ thuật tận dụng lợi thế lũ để trồng bông điên điển, sen, ấu, rau nhút... cải thiện cuộc sống.
“Mùa lũ đồng nghĩa với mùa khai thác, mùa mưu sinh của bà con nghèo, không có đất sản xuất. Khi nước dâng cao, những nghề như: Chở đất, xắn đất, câu ếch, săn chuột, bắt rắn, hái bông điên điển... rất được bà con ưa chuộng vì dễ làm. Những công việc này thường không đòi hỏi vốn đầu tư lại đáp ứng được nhu cầu mưu sinh thường nhật”, ông Hùng nói thêm.
Hiện tỉnh An Giang đang tập trung xuống giống vụ thu đông năm 2017 với tổng diện tích 179.729 ha ở 441 tiểu vùng sản xuất lúa được kiểm soát lũ cả năm, trong đó hơn 172.000 ha nằm trong đê bao an toàn. Năm nay về sớm và lớn hơn cùng kỳ các năm, tỉnh đã chủ động đưa ra những biện pháp xả lũ tại 26 tiểu vùng, diện tích 21.190 ha để lấy phù sa cho vụ lúa đông xuân năm sau.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, theo số liệu khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có gần 140.000 ha lúa thu - đông trong các ô bao đảm bảo an toàn khi có lũ về. Tại các huyện, đối với những ô bao đã thu hoạch, địa phương vận động người dân xả lũ đón phù sa. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống lũ chi tiết, thành lập đội tuần tra, kiểm soát gia cố đê bao, đồng thời sắp xếp lại lịch thời vụ hợp lý hơn trong các vụ mùa tới để đảm bảo cho người dân khi có lũ...
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Tận dụng lợi thế của lũ
Lũ về, công tác xả lũ sẽ giúp cải tạo đất canh tác, lưu giữ lượng phù sa, dinh dưỡng trong đất ruộng nhưng khi xả lũ phải gắn với từng địa phương, cũng như gắn với tình hình chung toàn tỉnh. Cụ thể phải có sự điều tiết mực nước và xây dựng giải pháp bảo vệ sản xuất lúa vụ thu đông, vườn cây ăn trái... tránh xung đột quyền lợi của các loại hình sản xuất. Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý về phương pháp xử lý đồng ruộng trước khi xả lũ; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, thủy văn trên các phương tiện thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả... Hiện UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, hàng ngày báo cáo nhanh cho Ban Chỉ đạo diễn biến mực nước, tích cực huy động lực lượng dân quân địa phương theo dõi, giám sát, túc trực 24/24 giờ tại các đoạn đê bao xung yếu để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra. Đối với diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch xong, các địa phương tổ chức thu hoạch dứt điểm sớm. Riêng những ô bao thu hoạch xong, chúng tôi đã vận động người dân thực hiện những biện pháp xử lý đồng ruộng trước khi xả lũ đón phù sa, có phương án điều tiết xả lũ phù hợp đảm bảo cho sản xuất lúa, cây ăn trái, thủy sản và khu vực dân cư sinh sống. Bên cạnh đó, UBND các xã phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn người dân chủ động ứng phó trước tình hình lũ về sớm trong năm nay như duy trì tốt các đội cứu hộ cứu nạn, tổ chức nhóm giữ trẻ cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai...
Ông Lê Văn Phát, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ: Lũ ở ĐBSCL là một dạng tài nguyên
Khi có lũ lớn trong năm 2017 thì cấp độ rủi ro thiên tai có thể đạt cấp độ 3 - 4 cho vùng đầu nguồn và cấp độ 3 cho khu vực hạ nguồn sông Cửu Long. Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng lũ ở ĐBSCL là một dạng tài nguyên hơn là một loại hình thiên tai. Vì từ xưa đến nay, người dân ĐBSCL vẫn thường gọi hiện tượng thiên nhiên này với cái tên quen thuộc là “mùa nước nổi” với bản chất thực là mang lại lợi ích từ nguồn lợi thủy sản, cải thiện sinh kế người dân ĐBSCL hơn là thấy thiệt hại từ lũ. Với hệ thống đê bao như hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến các vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, vùng cù lao... nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cụm, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp trong đê. Ngoài ra cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết - thủy văn qua bản tin dự báo để chủ động ứng phó, cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực về ứng phó thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang: Kiểm soát lũ một cách chủ động
Theo dự báo, tháng 9 mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ bắt đầu cao. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 2, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10. Nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, mức xấp xỉ báo động 2. Hạ lưu sông Cửu Long, triều cường sẽ lên cao vào tháng 10 và 11, đỉnh triều cường tại các trạm hầu hết cao hơn trung bình nhiều năm. Mực nước cao nhất năm trên Rạch Ông Chưởng (Chợ Mới) có khả năng xấp xỉ báo động 3, trên sông Hậu (Long Xuyên) cao hơn báo động 3 từ 0,10 - 0,20m (Chợ Mới 3,00m; LX 2,50m). Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tăng cường kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, trạm bơm điện trên địa bàn, kịp thời có kế hoạch duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo ăn chắc diện tích sản xuất vụ thu đông, đồng thời theo dõi, cập nhật và báo cáo kịp thời thiệt hại do các diễn biến bất thường thời tiết gây ra. Để việc sống chung với lũ bền vững, vấn đề kiểm soát lũ phải thực hiện một cách chủ động, bài bản hơn. Hiện hệ thống đê và đập ở các tỉnh, thành trong khu vực đang đi theo hướng này khi chú ý đến kiên cố hóa nhưng đảm bảo uyển chuyển phục vụ song hành việc tích và xả nước lũ khi cần. Tại tỉnh An Giang, do diện tích nằm dưới mặt nước khoảng 1,5m lớn nên chỉ hơn 50% diện tích lúa có thể làm được vụ ba, còn lại chúng tôi sẽ cho ngập bình thường. Chủ trương của tỉnh năm nay, chỉ nơi nào có đê bao an toàn mới sản xuất lúa vụ ba. Ngoài ra, những nơi đã sản xuất lúa liên tục ba năm liền lúa vụ ba, chúng tôi kiên quyết xả lũ vào ruộng chứ không tham sản xuất, dễ làm suy kiệt chất lượng đất đai. |