Cuối tháng 9 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ khánh thành tuyến cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Như vậy, cùng với Lý Sơn, nhiều huyện đảo khác như Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã được sử dụng điện liên tục 24/24 giờ từ hệ thống điện quốc gia.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam xác định, đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp từ 53- 55% GDP của cả nước. Một trong những giải pháp được xác định để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế biển chính là điện. Nhưng làm sao để có đủ điện với nguồn cấp ổn định và giá cả phù hợp cho các đảo lại không hề đơn giản.
Vận hành dao cách ly tại trạm 110 KV Vân Đồn - Nơi cấp điện cho đảo Cô Tô. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Trên thực tế, phương án cấp điện cho các đảo bằng cáp ngầm đã được các bộ, ngành, EVN tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và cho thấy lợi thế hơn hẳn so với các phương án khác cả về tính ổn định, bền vững và chi phí vận hành. Bởi, nếu cung cấp điện bằng các nguồn tại chỗ thì khả năng nguồn cung cấp bị hạn chế, chưa kể việc sửa chữa, thay thế cũng như cung cấp vận chuyển thiết bị khó khăn do khoảng cách xa và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Tuy nhiên, việc đưa điện ra các huyện đảo cũng gặp không ít khó khăn bởi điều kiện thi công rất phức tạp, việc vận chuyển vật tư, thiết bị ra đảo khó khăn và tốn kém, phải phụ thuộc vào thời tiết trên biển. Bà Bùi Thúy Quỳnh, Phó Trưởng ban Kinh doanh (EVN) cho biết, một trong những khó khăn khi thực hiện các dự án là huy động vốn. Với đặc điểm các đảo ở xa bờ trên 100 km, độ sâu của biển lớn, có nơi đến trên 90 m, trong khi phụ tải ngoài đảo không lớn, việc cấp điện lưới quốc gia khó cả về giải pháp kỹ thuật. Không những thế, việc thiết kế, thi công các công trình trên biển đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật cao, ít nhà thầu trên thế giới thực hiện được, dẫn tới vốn đầu tư lớn.
Dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng vốn đầu tư hơn 652 tỷ đồng, gồm đường cáp ngầm trung áp 22 kV dưới biển từ đất liền ra đảo Lý Sơn dài hơn 26 km là một ví dụ. Lý Sơn được đánh giá là huyện đảo tiền tiêu có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế biển, cách đất liền 15 hải lý với tổng số dân sinh sống khoảng 21.000 người.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng Giám đốc Công TNHH Thái Dương - Liên danh nhà thầu Prysmian - Thái Dương cho biết, so với tuyến cáp ngầm xuyên biển đảo Phú Quốc và Cô Tô thì tuyến cáp ngầm ở Lý Sơn có địa hình phức tạp hơn, nhiều đá và độ sâu có chỗ hơn 90 mét. Trong khi đó độ sâu tuyến cáp ngầm ở Cô Tô và Phú Quốc nơi sâu nhất cũng chỉ mới 30 mét. Do đó, việc thi công tuyến cáp ngầm ra đảo Lý Sơn phức tạp hơn. Hiện miền Trung chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, nhà thầu đang tranh thủ từng ngày, chạy đua với thời gian để khẩn trương hoàn thành dự án này.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định, việc triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn, nhưng EVN vẫn quyết tâm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Đối với 8 huyện đảo đã có điện lưới, EVN sẽ bảo đảm cung cấp điện an toàn liên lục ổn định nhằm phát triển kinh tế-xã hội các huyện đảo.
EVN cho biết, cả nước hiện có 12 huyện đảo đều đã có điện lưới và điện tại chỗ; trong đó EVN đang quản lý và bán điện cho các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang). Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) sẽ bàn giao việc quản lý hệ thống điện cho EVN quản lý vào cuối năm nay sau khi tập đoàn thực hiện xong việc đầu tư lưới điện ra đảo. Như vậy đến cuối năm 2014, EVN sẽ quản lý và bán điện cho 8/12 huyện đảo.
Đối với 4/12 huyện đảo còn lại do khoảng cách xa bờ trên 100 km nên giải pháp cấp điện bằng cáp ngầm rất khó khăn. Vì vậy, để bảo đảm nâng cao điều kiện sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trên đảo, EVN tăng cường thêm nguồn điện bằng việc sử dụng các nguồn hiện có và nghiên cứu thêm các nguồn điện mới từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Khi các huyện đảo được phủ sóng điện lưới quốc gia, tất yếu sẽ được hưởng giá điện như giá bán trong đất liền.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để các huyện đảo có đủ điện và được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, thì việc đầu tư hệ thống lưới truyền tải đưa điện ra một số đảo gần bờ cần được hạch toán giá trị đầu tư vào trong giá thành thông qua việc trích khấu hao trong quá trình đầu tư của các đường điện ấy. Đối với những nơi không kéo được điện lưới thì kết hợp giữa điện gió và mặt trời với điện chạy dầu diezel.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, nếu các huyện đảo không nối lưới được với hệ thống điện quốc gia thì hầu hết các phương án cấp điện độc lập đều có giá thành rất cao. Thậm chí cao gấp 2, gấp 3 lần giá điện trung bình mà chúng ta bán trên đất liền. Vậy để giải quyết vấn đề này thì phải có một chính sách trợ giá hoặc hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Đối với một số đảo lớn, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, EVN sẽ phối hợp cùng bàn bạc với UBND tỉnh để có các giải pháp cung cấp điện cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khả năng thực hiện của tập đoàn.
Mai Phương