Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19, hiện giá trị sản lượng toàn gói thầu của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định đạt trên 45% khối lượng, giá trị còn lại chủ yếu là khối lượng thi công bê tông nhựa.
Tuy nhiên, hiện nay việc thi công trên toàn tuyến quốc lộ nằm trong dự án bị chậm tiến độ, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra có rất nhiều nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân chính hiện nay là mặt bằng và mỏ đất phục vụ cho thi công đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện nay, toàn tuyến dự án còn số hộ dân chưa thống nhất bàn giao mặt bằng để các đơn vị nhà thầu thực hiện thi công. Cụ thể như ở Đăk Pơ 7 hộ, 3 hộ ở thành phố Pleiku cùng một số hộ ở đoạn tuyến qua huyện Chư Prông, Đức Cơ. Việc chậm bàn giao mặt bằng đã làm ảnh hưởng chung đến tiến độ của toàn tuyến. Đặc biệt, việc các mỏ vật liệu đất bị tạm dừng cấp phép khiến các gói thầu không có nguồn đất đắp mặt nền. Theo thống kê, hiện toàn tuyến còn thiếu hơn 200 nghìn m3 đất đắp nền”, ông Tân cho biết.
Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai sớm cấp và gia hạn cho dự án một số mỏ đất để hoàn thiện nền đường; chấp thuận việc đề xuất bổ sung mỏ vật liệu, trạm trộn bê tông nhựa cho các nhà thầu; tích cực phối hợp với các nhà thầu để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định (giai đoạn 2) thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, được khởi công từ cuối tháng 8/2021 (giai đoạn 1 đầu tư BOT nâng cấp, cải tạo từ km17+027 - km51+152 với tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016); dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 143 km (đoạn qua tỉnh Gia Lai 126 km, qua Bình Định 17 km) với tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (tương đương hơn 3.600 tỷ đồng); trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật, 3,7 triệu USD còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án này. Nếu tính cả hai giai đoạn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng.