Đột phá trong tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ

Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng đồng bằng sông Cửu Long sau 3 năm thực hiện (2012 - 2014) đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn cũng như nhận thức.

Cán bộ NHCSXH Chi nhánh Tiền Giang hướng dẫn hộ chính sách vay vốn ưu đãi. Ảnh: Việt Cường


Huy động tổng lực

So với kết quả toàn diện của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khi thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là “vùng trũng”, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm 2011, nợ xấu chiếm tỷ lệ cao, gấp 2,1 lần bình quân chung của NHCSXH; lãi tồn đọng lớn, chiếm hơn 1/3 lãi tồn đọng của toàn quốc; nợ không đối chiếu được còn nhiều, chiếm 2/3 toàn quốc... Bên cạnh số ít tỉnh, thành phố hoạt động khá thì đại đa số các tỉnh hoạt động yếu kém kéo dài.

Trong bối cảnh đó, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng ĐBSCL ra đời mang đến những giải pháp đồng bộ, nhằm tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng của vùng có chuyển biến rõ rệt. Sau Hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực ĐBSCL do Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp tổ chức tại Cần Thơ, Ban lãnh đạo NHCSXH đã yêu cầu NHCSXH cấp tỉnh, huyện phải chủ động, tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT các cấp và phối hợp với Hội đoàn thể, UBND cấp xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. NHCSXH đã thành lập Ban Chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tỉnh vùng ĐBSCL; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Ở địa phương, các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và hội đoàn thể nhận ủy thác tổ chức xây dựng Đề án củng cố đối với NHCSXH từng tỉnh, huyện và phương án củng cố đối với từng xã, phường. 100% cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của các tỉnh vùng ĐBSCL được tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng phục vụ cho việc tổ chức thực hiện. Để tăng cường năng lực cho các tỉnh có nhiều khó khăn, Tổng Giám đốc NHCSXH đã luân chuyển, điều động và tăng cường 59 cán bộ Hội sở chính và một số tỉnh để bổ sung nhân sự cho các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Long An.

Tỉnh ủy, UBND các cấp cũng đã ban hành chỉ thị, văn bản chỉ đạo các ngành, hội đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp với NHCSXH thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; đưa chỉ tiêu chất lượng tín dụng chính sách làm cơ sở đánh giá đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng, hội đoàn thể trong quá trình bình xét thi đua hàng năm. Các xã có chất lượng tín dụng thấp thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. UBND xã giao rõ trách nhiệm cho Trưởng ấp trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách từ khâu nhận chỉ tiêu phân vốn đến tổ chức giám sát bình xét cho vay tại tổ, ký trên biên bản họp bình xét cho vay của tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay, hoạt động của tổ...

Không còn yếu kém

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở các địa phương đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của người dân; đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thông qua việc điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ từ Hội sở chính và các đơn vị hoạt động tốt cho các tỉnh ĐBSCL đã từng bước làm thay đổi tư duy và cách làm trì trệ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ NHCSXH trước đây, gắn chất lượng công việc với trách nhiệm của từng cán bộ NHCSXH. Bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động của các chi nhánh đã đi vào ổn định, nề nếp.

Những giải pháp trên đã tạo nên sự chuyển biến lớn về chất lượng tín dụng của khu vực ĐBSCL sau 3 năm thực hiện Đề án. Đến ngày 31/12/2014, tổng nợ quá hạn trong vùng là 160.046 triệu đồng, giảm 474.720 triệu đồng (giảm 74,8%), chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ, giảm 3,4% so với thời điểm xây dựng Đề án, hoàn thành 184% so với chỉ tiêu nợ quá hạn đề ra theo lộ trình thực hiện Đề án đến cuối năm 2014 (tỷ lệ nợ quá hạn theo lộ trình đến cuối năm 2014 là 1,31%). Tất cả 13/13 tỉnh, thành phố đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Nợ bị chiếm dụng của 13 tỉnh còn là 979 triệu đồng, giảm 4.856 triệu đồng so với thời điểm xây dựng Đề án (tương đương 83,21%). So với thời điểm xây dựng Đề án thì số Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt đã tăng 15.859 tổ (gần gấp đôi so với trước), không còn tổ xếp loại kém. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại 13 tỉnh trong khu vực đến ngày 31/12/2014 là 22.384 tỷ đồng, tăng 5.462 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng Đề án, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng hàng năm 10,76% (tốc độ tăng chung toàn quốc là 7,76%).

Thực hiện công tác an sinh xã hội, Công đoàn NHCSXH phát động cán bộ, đoàn viên đóng góp ủng hộ 8.166 triệu đồng cho các tỉnh vùng ĐBSCL để hỗ trợ xây dựng 9 cầu dân sinh (trong đó: tỉnh Bạc Liêu 3 cầu tại huyện Đông Hải và Phước Long, tỉnh Bến Tre 1 cầu tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Kiên Giang 2 cầu tại huyện Châu Thành và Vĩnh Thuận, tỉnh Long An 1 cầu tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Sóc Trăng 1 cầu tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Vĩnh Long 1 cầu tại huyện Tam Bình); đổ bê tông tuyến đường kênh mới dài 1765 m tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An; tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 900 người là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Trong 3 năm qua, cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày một nâng cao, hoạt động của NHCSXH tại vùng ĐBSCL đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trên 1,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp khoảng 230.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 88.000 lao động; giúp trên 29.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 554.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, trên 8.000 căn nhà vượt lũ… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL trong thời kỳ 2011 - 2014 giảm từ 13,48% (năm 2011) xuống còn 5,7% (năm 2014).

Việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đã tạo ra sự tin tưởng trong việc tiếp tục tổ chức triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước tại các địa phương. Khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi triển khai trên địa bàn toàn quốc nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng có hiệu quả, góp phần vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm và xây dựng nông thôn mới.


Tứ Hải
Tín dụng bất động sản: Khởi sắc nhưng khó đột biến
Tín dụng bất động sản: Khởi sắc nhưng khó đột biến

Với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, thì BĐS có khởi sắc hay không cũng phụ thuộc vào hầu bao của các nhà băng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN