Đột phá giao thông năm 2021 tạo động lực phát triển kinh tế

Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến khởi công 19 dự án, hoàn thành 21 công trình, riêng quý I/2021 sẽ kiến khởi công 5 dự án và hoàn thành 2 công trình, trực tiếp tạo động lực phát triển kinh tế các địa phương.

Điểm hàng loạt dự án mở đường

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT-Bộ GTVT), đến tháng 2/2021, Bộ GTVT đã khởi công 2 dự án: Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và hoàn thành dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Đến hết năm 2021, Bộ GTVT dự kiến khởi công tiếp 17 dự án, gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn QL45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo; tuyến nối Quốc lộ (QL)91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau (Cà Mau)...

Chú thích ảnh
Giải phóng mặt bằng thực hiện cao tốc Cam Lộ-La Sơn, đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc-Nam. 

Các dự án giao thông dự kiến hoàn thành trong năm nay gồm: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh; QL27, đoạn tránh Liên Khương; cải tạo mặt đường tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn (Trà Vinh); nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự (Đồng Tháp)…

Cũng theo Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách (10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018. Đối với 10 dự án đường bộ có tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng, 3 dự án đã hoàn thành, gồm: Dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang-Lào Cai; cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa-cửa khẩu Pò Mã (Bắc Kạn); 7 dự án đang triển khai thi công, trong đó 5 dự án tiến độ còn chậm, gồm: Dự án tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp; cải tạo nâng cấp QL53; nâng cấp QL57; nâng cấp QL30 và dự án đầu tư QL27 đoạn tránh Liên Khương.

Đối với 4 dự án đường sắt cấp bách có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, các ban quản lý dự án hiện đã triển khai 29/34 gói thầu xây lắp (Ban Quản lý dự án đường sắt: 25/26 gói thầu, Ban Quản lý dự án 85: 4/8 gói thầu. Còn lại 5 gói thầu, trong đó 2 gói thầu (4 khu gian bổ sung-Ban Quản lý dự án 85) dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu và khởi công trong tháng 2/2021; 2 gói thầu không có nhà thầu tham gia, Ban Quản lý dự án 85 đã báo cáo Bộ GTVT xem xét giải pháp xử lý trước ngày 25/2; một gói EPC thông tin tín hiệu đường sắt thuộc dự án Hà Nội-Vinh của Ban Quản lý dự án đường sắt dự kiến điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước ngày 20/2, hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 4/2021. Dự kiến gói thầu hoàn thành muộn nhất trong tháng 12/2021.

Những dự án kỳ vọng tạo sự đột phá cho hạ tầng giao thông

Một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành GTVT hiện nay là nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ; hoàn thành việc xây dựng đường Hồ Chí Minh và đưa vào khai thác sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phát cho hạ tầng giao thông.

Để đẩy nhanh những dự án này, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án thành phần trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục để triển khai. 

Chú thích ảnh
Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn được tỉnh Đồng Nai xây dựng nhằm tái định cư phục vụ triển khai dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN.

Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) cho biết: Ban được Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh phù hợp với phương thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu trong tháng 2/2020; hoàn thành, trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán điều chỉnh trước ngày 20/3 để kịp tiến hành khởi công vào cuối tháng 6/2021 như mục tiêu Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.

Còn theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 dài 659 km, quy mô 4 làn xe đang được Bộ triển khai khẩn trương. Đây là những dự án ưu tiên hàng đầu thực hiện ngày từ năm nay để góp phần nối thông tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ và tạo động lực trực tiếp phát triển kinh tế đất nước trong 5-10 năm tới.

Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành cũng được kỳ vọng tạo sự bứt phá nhanh phục vụ phát triển kinh tế của ngành GTVT thời gian tới. Tại lễ khởi công dự án trong tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây cũng là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của đất nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá, sau khi đi vào hoạt động, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.

Đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, dự án này đã giải phóng mặt bằng được 1.810 ha. Trong quá trình triển khai, dự án chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ GTVT và cơ quan liên quan, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Ngoài hai dự án trên, việc hoàn thành 2.744 km đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau cũng sẽ là ưu tiên của Bộ GTVT. Dự án hiện mới hoàn thành 2.218 km/2.744 km, đạt 80,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 237 km; còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Bộ GTVT đang đẩy mạnh triển tuyên truyền, hướng dẫn việc khai thác sử dụng; đồng thời, đề xuất các giải pháp tổng thể và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để hoàn thành các mục tiêu hoàn thành tuyến đường này.

Để huy động vốn cho các dự án giao thông, Bộ GTVT sẽ cân nhắc dùng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho kế hoạch 2021-2025 để đầu tư dứt điểm, sau đó sẽ tiến hành bán quyền thu phí hoặc tự tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc xã hội hóa đầu tư vẫn sẽ là ưu tiên số một, nhất là khi Luật PPP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. 
Vân Sơn/Báo Tin tức
Ngành giao thông vận tải tăng cường chống dịch COVID-19 dịp cao điểm Tết
Ngành giao thông vận tải tăng cường chống dịch COVID-19 dịp cao điểm Tết

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng chống dịch COVID-19 lên mức cao nhất...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN