Ngành giao thông vận tải tăng cường chống dịch COVID-19 dịp cao điểm Tết

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng chống dịch COVID-19 lên mức cao nhất...

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa có văn bản yêu cầu các cục chuyên ngành; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổng công ty: Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam; các Công ty cổ phần Hàng không: Vietjet, Pacific Airlines, Tre Việt (Bamboo Airways) tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 

Chú thích ảnh
Tất cả phương tiện Xí nghiệp Xe buýt 10-10 đều được vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ sau mỗi ca làm việc. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong khi nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán, để đảm bảo các hoạt động vận tải hành khách công cộng được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, cán bộ nhân viên phục vụ và hành khách tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy, bến xe, nhà ga...), Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 (các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của ngành y tế) bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam nâng mức cảnh báo, cảnh giác phòng chống dịch lên mức cao nhất, đặc biệt tại các nhà ga hàng không, đường sắt, bến tàu, bến xe… và trên các phương tiện giao thông công cộng. 

Tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong phạm vi quản lý về việc thực hiện các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch của Bộ Giao thông Vận tải, ngành y tế và các cơ quan chức năng.

Cùng với đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải siết chặt và củng cố các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách công cộng;

Kiểm tra và nhắc nhở cán bộ nhân viên, người lao động của đơn vị và hành khách thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế);

Bổ sung thêm bồn rửa tay, xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có ít nhất 60% nồng độ cồn) tại các khu vực phòng chờ trong nhà ga, bến tàu, bến xe... và trên các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) để thuận lợi cho hành khách sử dụng;

Bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ, hành khách và mọi người khác (như người đưa tiễn) trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe... và trên các phương tiện vận tải hành khách. Từ chối vận chuyển các trường hợp hành khách không đeo khẩu trang theo đúng quy định;

Yêu cầu tất cả cán bộ nhân viên, người lao động của đơn vị cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và phải thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm và giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm; 

Kiểm tra, nhắc nhở vận động hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt và bật ứng dụng Bluezone để được cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị trên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch khác theo hướng dẫn tại Công văn số 7234/BGTVT-CYT ngày 26/7/2020 của Bộ Giao thông Vận tải  về phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách.

Quang Toàn (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng hiệu quả vận tải xe buýt
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng hiệu quả vận tải xe buýt

Bị sụt giảm khoảng 40% sản lượng so với cùng kỳ 2019 và chỉ đạt hơn 53% kế hoạch trong năm 2020, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khôi phục lại sản lượng trong năm 2021; trong đó, sẽ tái cấu trúc lại mạng lưới để hoạt động hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN