Xử nghiêm trường các hợp thao túng cổ phiếu, gây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư
Thời gian qua, nhằm ổn định và phát triển TTCK lành mạnh, hiệu quả, UBCKNN đã đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát TTCK. Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBCKNN đã triển khai 16 đoàn thanh kiểm tra, bao gồm 9 đoàn thanh kiểm tra theo kế hoạch và 7 đoàn kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, kết quả thanh kiểm tra, UBCKNN đã ban hành 187 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 18,35 tỷ đồng, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng.
“Bên cạnh đó, cơ quản quản lý cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tại một số vụ việc như: Đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn đối với 9 trường hợp vi phạm quy định về giao dịch của người nội bộ và người có liên quan; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính, buộc hủy bỏ thông tin đối với 2 trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch...”, đại diện UBCKNN cho biết.
Bên cạnh đó, UBCKNN tập trung triển khai công tác điều hành, quản lý, tập trung vào các nhiệm vụ về công tác xây dựng cơ chế chính sách TTCK; quản lý các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán; phối hợp với cơ quan chức năng chuyển hồ sơ thao túng chứng khoán để xử lý theo quy định… ; rà soát chặt chẽ việc phát hành của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; triển khai kiểm tra hoạt động công ty đại chúng, tổ chức kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt; giám sát tình hình thực hiện nghĩa vụ báo cáo công bố thông tin của các công ty đại chúng, đồng thời phối hợp với các sở thực hiện rà soát nghĩa vụ công ty đại chúng.
Để nâng cao vai trò và trách nhiệm cơ quan quản lý, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Báo cáo xem xét sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định; trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược TTCK đến năm 2030.
“Tiếp tục giám sát, thanh tra trên TTCK, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thanh tra, giám sát”, đại diện UBCKNN cho biết.
UBCKNN sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
VN-Index vẫn tiếp tục hồi phục từ đáy
Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến TTCK có xu hướng hồi phục. Tính đến hết ngày 30/6/2023, VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), TTCK Việt Nam đã đi qua nửa đầu của năm và VN-Index vẫn tiếp tục hồi phục từ đáy. "Đa số các TTCK khác trên thế giới trong tháng 6 cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Trong khu vực Đông Nam Á, VN-Index cũng là một trong những chỉ số hồi phục ấn tượng”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết.
Đi cùng với các chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế là kỳ vọng bức tranh vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều gam màu sáng hơn trước. Đặc biệt khi xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn chậm lại và mặt bằng lãi suất tiền gửi trong nước bắt đầu giảm, hoạt động của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng trở nên sôi động hơn. Điều này có thể nhìn thấy một phần qua số lượng tài khoản tăng thêm trong tháng 5/2023 là 105 nghìn tài khoản, gấp 4,6 lần so với tháng trước. Kết quả, nhóm này liên tục mua ròng từ giữa tháng 3/2023 và trở thành lực đỡ chính của thị trường với tổng giá trị mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trong quý II/2023.
Theo số liệu từ ABS, thanh khoản của TTCK hồi phục ấn tượng trong tháng 6/2023 với giá trị giao dịch trung bình phiên trên HOSE đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng +38% so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
“Thị trường đi lên và gặp rung lắc ở cuối tháng 6. Tuy nhiên, VN-Index duy trì được đà tăng tương đối bền bỉ và gặp rung lắc nhẹ ở cuối tháng với thanh khoản giảm nhẹ. Về mặt tin tức, tháng 6 không có nhiều tin chính sách tài chính - tiền tệ như tháng 4 và tháng 5, nhưng những câu chuyện về đầu tư công, sân bay Long Thành và Việt Nam tiếp đón chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc trong tháng 6/2023 đã thu hút được sự quan tâm của số đông nhà đầu tư”, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6 - 6,5%, áp lực tăng trưởng 2 quý cuối năm là rất lớn. Đề hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng… đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam cũng như của TTCK trong giai đoạn tới.