Số điện thoại đường dây nóng là 0967.854.489, người tiếp nhận là bà Phan Thị Thanh Tâm, Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đồng Nai.
Theo đó, đường dây nóng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp nhận thông tin, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề có liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu tránh tình trạng hàng hóa bị dồn ứ cục bộ, đảm bảo nguồn hàng được lưu thông.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động trong việc dự báo, xây dựng kế hoạch ứng phó, tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 áp dụng biện pháp phòng dịch không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình lưu thông. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Về tiêu thụ, các chợ tự phát, truyền thống và chợ đầu mối lớn bị đóng cửa, chỉ còn hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phép hoạt động. Trong khi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Thêm vào đó, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường lấy nguồn hàng từ các công ty, chuỗi cung ứng lớn, dẫn đến các cơ sở sản xuất, chăn nuôi nông hộ khó cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm.
Về khâu vận chuyển, phân phối gặp nhiều khó khăn nên sản lượng thịt cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 20%, đặc biệt là thịt gia cầm, do cơ sở Phạm Tôn ở TP Hồ Chí Minh giết mổ mỗi ngày khoảng 30.000 con gà của Đồng Nai hiện nay đã đóng cửa.
Về tiêu thụ trứng rất thuận lợi do sản phẩm này có thời gian bảo quản lâu; các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng ổn định. Các trang trại tư nhân đưa về các vựa sau đó phân phối ở các chợ truyền thống, nay đóng cửa các chợ nên chuyển qua bán hàng online nên không ảnh hưởng.
Về vấn đề chất thải chăn nuôi hiện nay không đưa về các vùng trồng trọt hay nhà máy sản xuất phân bón được nên vấn đề ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh cao.
Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các vùng đang dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu, hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Chính quyền địa phương các cấp cho hoạt động trở lại các chợ truyền thống để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tổng đàn gia cầm hiện có của tỉnh là 26,4 triệu con; trong đó đàn gà 24,5 triệu con, đàn lợn đạt 2,48 triệu con, trâu bò 89.000 con.
Dự kiến sản lượng các sản phẩm chăn nuôi từ tháng 7 đến tháng 12/2021 là thịt lợn 152.622 tấn, thịt gà 45.000 tấn. Ước trong thời gian 14 ngày tới (20/7/2021 - 4/8/2021) sẽ có 15.973 tấn thịt các loại; trong đó thịt lợn là 12.333 tấn, thịt gà 3.500 tấn và thịt bò là 140 tấn. Sản lượng trứng 56 triệu quả.
Hiện nay, mỗi ngày, tỉnh Đồng Nai đang tồn chuồng khoảng từ 30.000 - 40.000 con gà/ngày. Điều này dẫn đến giá bán sản phẩm chăn nuôi gà giảm xuống, người chăn nuôi bị thua lỗ.
Về giá sản phẩm chăn nuôi, hiện nay giá lợn hơi tại các nông hộ, trang trại dao động từ 53.000 - 56.000 đồng/kg và vẫn đang có xu hướng giảm. Giá bò hơi dao động từ 90.000 - 94.000 đồng/kg và đang ổn định trong tuần qua, người chăn nuôi đang có lợi nhuận.
Giá gà lông trắng dao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, gà lông màu dao động từ 28.000 - 33.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng.
Giá trứng vịt từ 3.200 - 3.300 đồng/quả, giá trứng gà công nghiệp từ 2.100 - 2.200 đồng/quả, giá trứng ổn định trong tuần qua, người chăn nuôi đang có lợi nhuận.