Đây cùng là dịp tập thể cán bộ, công nhân viên của Công ty hăng hái thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao - tiền thân của Công ty ngày nay, cũng đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công ty (1955-2020).
Vị lãnh tụ giản dị
Có dịp ghé thăm những cánh đồng dứa trải rộng trên địa bàn thành phố Tam Điệp mới thấy hết được không khí lao động hăng say, sôi nổi tại đây. Vào một buổi sáng tháng 5, khi nắng chưa gắt lắm, nhiều cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty tranh thủ đi thăm đồng và chăm sóc từng gốc dứa, kịp thời xử lý kỹ thuật những gốc phát triển chậm. Vùng đất đồi Tam Điệp xưa kia chỉ có nắng gió với khí hậu khắc nghiệt nay được phủ xanh bởi những cánh đồng dứa mát mắt. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để chế biến ra những sản phẩm làm nên thương hiệu của Công ty. Bên cạnh cây dứa chiếm diện tích lớn trong cơ cấu cây trồng, Công ty còn phát triển và mở rộng trồng cây lạc tiên, mơ, vải, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt... đều là những nguyên liệu quan trọng để Công ty làm ra những sản phẩm chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Gần với khu vực những cánh đồng dứa bát ngát là Bảo tàng thành phố Tam Điệp, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý liên quan đến sự hình thành, phát triển của thành phố Tam Điệp. Nơi đây cũng là một trong nhiều địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Nông trường quốc doanh Đồng Giao. Ngay tại nơi này, nhiều năm trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Điệp đã xây dựng tượng đài Bác Hồ, trở thành nơi giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ.
Dưới chân tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phùng Bá Vĩnh, 86 tuổi, kể lại kỷ niệm rất đáng tự hào khi ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây tròn 60 năm. Khi đó ông là đội trưởng của một đội sản xuất thuộc Nông trường. Sáng 20/7/1960, trên đường từ Thanh Hóa về Hà Nội, Bác đã vào thăm Nông trường quốc doanh Đồng giao. Được tin Bác Hồ sẽ thăm nông trường, ai ai cũng náo nức và mong đến giờ phút gặp Bác. Mọi người đang làm việc, có 3 xe ô tô dừng lại trước khu nhà làm việc của Đảng ủy - nay là Bảo tàng thành phố Tam Điệp. Bác xuống xe giơ tay vẫy chào rồi bước lên thềm nói chuyện với mọi người.
Trong hồi ức của ông Vĩnh, hình ảnh Bác Hồ về thăm nông trường như mới diễn ra hôm qua, từng chi tiết được ông kể lại rất rõ ràng, tỉ mỉ. Bác Hồ đã ân cần hỏi han công việc của Nông trường như: Trồng loại cây gì, nuôi loại con gì, có tốt không?... Rồi Bác quan tâm hỏi thăm đời sống của cán bộ, công nhân của Nông trường có được cải thiện không? Từng vấn đề Bác hỏi đã được các đồng chí lãnh đạo Nông trường trả lời. Khó khăn khi đó, Nông trường vừa mới được thành lập nên còn bị thua lỗ. Bác ân cần nói: “Nông trường còn bị lỗ như vậy là các chú làm ăn chưa tốt. Chưa làm gương được cho hợp tác xã nông nghiệp. Các chú cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để sản xuất ra nhiều của cải cho Nhà nước, cho nhân dân”. Nói rồi Bác đi tới thăm anh chị em công nhân đang làm việc trong xưởng cơ khí nông trường. Sau đó, Bác còn đến thăm đội sản xuất Trại Vòng, đội Gềnh, đội Chăn nuôi và nhiều khu vực sản xuất khác của nông trường. Tại mỗi điểm dừng chân, Bác đều để lại những câu chuyện hết sức gần gũi và ý nghĩa.
Khi các công nhân đội Gềnh đang chăm sóc cây cà phê, nhìn thấy đoàn xe từ xa, các công nhân đã chạy lên ven đường đề chào đón. Dừng tại đây, Bác cầm một cái cuốc vét, bằng động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, Bác vừa giẫy cỏ vừa ôn tồn nói: “Các chú làm cỏ chưa được kỹ lắm đâu. Một khi rễ cỏ còn bám được vào đất thế này thì mai kia nó lại tốt lên, ăn hết thức ăn của cà phê mất thôi. Bác làm như thế này được chưa các chú?”.
Những hành động và lời nói chân tình, giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại thật gần gũi và thân thương khiến cho những người có mặt hôm đó đều nhớ mãi. Tại đây, Bác hỏi một công nhân rằng “Nông trường Đồng Giao này là của ai?”. Khi người công nhân trả lời, nông trường là của Nhà nước, Bác ân cần nói với các mọi người: “Các cô, các chú học tập quản lý xí nghiệp rồi mà còn nói nông trường là của Nhà nước là chưa đúng đâu. Nông trường là của các cô, các chú. Chính các cô, các chú mới là người chủ thực sự của Nông trường”.
Tiếp bước cha anh
Tròn 60 năm trôi qua, những người được tiếp xúc, được nói chuyện với Bác nay đều đã hơn 80 tuổi, nhiều người trong số đó nay không còn nữa. Trong tâm trí họ, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại và những câu nói gần gũi thân thương của Bác chỉ như mới diễn ra không lâu. Theo lời Bác dặn, suốt 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, công nhân của Nông trường, nay là Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) luôn nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm chủ công nghệ sản xuất, không ngừng lớn mạnh, khẳng định thương hiệu DOVECO trên thị trường trong và ngoài nước.
Là thế hệ tiếp bước cha anh, tuổi trẻ Đồng Giao ngày nay không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, hăng say lao động sản xuất để xứng đáng với truyền thống của Công ty. Chị Ngô Thị Thu, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: "Thế hệ trẻ của Đồng Giao luôn ý thức được những công lao to lớn của thế hệ đi trước đã xây dựng, làm tiền đề để Đồng Giao lớn mạnh như ngày hôm nay. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được là một người con của Đồng Giao, những câu chuyện kể về Bác Hồ thăm Đồng Giao đều được thế hệ trẻ chúng tôi ghi nhớ. Chúng tôi nguyện sẽ cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với lời dặn của Bác, xứng đáng với những thành tựu các thế hệ cha anh để lại".
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, trong nhiều giai đoạn khác nhau, tập thể, công nhân viên chức và người lao động Công ty luôn phấn khởi, tự hào được Bác Hồ về thăm, chỉ đạo động viên. Đặc biệt, lời Bác Hồ về thăm có căn dặn "làm sao để nông trường quốc doanh phải trở thành gương mẫu và điển hình cho các hợp tác xã, là nơi phổ biến khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước" luôn được đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Công ty ghi nhớ. Ngày nay, Công ty được ghi nhận là môt trong 6 trung tâm chế biến rau quả lớn của cả nước. Đặc biệt, Công ty đã liên kết với 15 tỉnh, thành phố để mở rộng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Hiện, Công ty có hai nhà máy chế biến lớn đặt tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Gia Lai với tổng công suất 82 nghìn tấn/năm.
Sản phẩm của Công ty có tính cạnh tranh rất cao ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thời gian tới đây, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trên cả nước; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Công ty cũng tính đến việc sẽ xây dựng thêm từ một đến hai trung tâm chế biến rau quả nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên cả nước.
Được biết, tổng doanh thu của DOVECO năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng. Quý I năm 2020, doanh thu Công ty đạt 400 tỷ đồng, nhiều chỉ tiêu quan trọng đều vượt so với kế hoạch đề ra. Hiện, DOVECO giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động với mức thu nhập khá so với bình quân chung.