Đến nay, toàn vùng có hơn 1.800 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 13% tổng số Hợp tác xã nông nghiệp của cả nước. Đây là một trong 3 vùng có số lượng hợp tác xã thành lập mới cao nhất cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và xây dựng chuỗi liên kết.
Mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là một trong những giải pháp hiệu quả để sản xuất nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của thị trường về sản lượng và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn mẫu. Với trên 230.000 hội viên, chiếm 15% số hộ sản xuất của toàn vùng, các hợp tác xã nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức được vùng liên kết sản xuất có diện tích lớn nhất cả nước với tổng diện tích 450.000 ha, hơn 71% số xã trong khu vực có mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Đồng Tháp là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, củng cố và phát triển nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có ý tưởng thành lập Hội quán nhằm tạo sự đoàn kết, đồng lòng của bà con nông dân từ đó phát triển thành các hợp tác xã kiểu mới.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh hiện có 164 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, phần lớn hợp tác xã kinh doanh đa dịch vụ, tích cực đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho xã viên. Nhờ hoạt động liên kết giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp, năm 2018, diện tích sản xuất nông nghiệp được liên kết tiêu thụ của Đồng Tháp đạt gần 44.000 ha, sản lượng nông sản được thu mua qua hợp đồng đạt gần 270.000 tấn.
Được thành lập từ tháng 5/2013, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 có hơn 100 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 570 ha. Là một trong những hợp tác xã điển hình trong thay đổi tư duy, phương thức sản xuất và thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ lúa ở địa phương.
Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 là vụ mùa thứ 16 hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất với Công ty giống cây trồng Miền Nam. Nhờ có được hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp mà nhiều năm qua lợi nhuận của nhiều xã viên ổn định và cao hơn so với những hộ ngoài liên kết.
Theo ông Ngô Phước Dũng, ngoài những hợp tác xã hình thành từ trước thì mô hình Hội quán tại Đồng Tháp chính là bước tập dượt để người dân thay đổi nhận thức từ làm ăn cá thể đến tập thể theo hướng dân chủ. Đồng thời, là bước đệm vững chắc để tiến lên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, chặng đường 3 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp nhận ra điểm nghẽn của tái cơ cấu nông nghiệp là sự hợp tác giữa những người nông dân. Do đó, tỉnh Đồng Tháp tập trung xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh trở thành cứu cánh để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nền kinh tế đã thay đổi, cho nên không thể tái cơ cấu sản xuất với kinh tế hộ cá thể, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thay vào đó là tư duy mua chung, bán chung, dùng chung dịch vụ để tạo ra sức mạnh cả vật chất và tinh thần. Hiện tại, Đồng Tháp đang định vị lại và hướng tới giá trị cốt lõi là tạo ra lợi nhuận cho thành viên hợp tác xã, lợi ích cho hợp tác xã, thay đổi quy trình sản xuất hướng tới nền sản xuất tốt hơn, mang lại phúc lợi cao cho hợp tác xã và người dân nông thôn.
Theo ước tính của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, 1/3 số hợp tác xã nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức thực hiện được các hoạt động phục vụ và giúp thành viên của mình ứng phó, hạn chế những tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra. Cụ thể, các hợp tác xã đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ về kỹ thuật canh tác đến người sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật và quy trình sản xuất giống chất lượng cao, an toàn thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu như sử dụng giống chịu mặn cao, quy trình canh tác “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, các biện pháp quản lý cây trồng, quản lý dịch bệnh hay hệ thống canh tác lúa cải tiến.
Các hợp tác xã nông nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng tích cực tham gia điều tiết kế hoạch sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, áp dụng hình thức canh tác xen kẽ khô/ngập để giảm phát thải, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.
Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp ở khu vực này đang làm tốt việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thu mua sản phẩm của thành viên và nông dân trên địa bàn theo chuỗi giá trị. Điển hình như hợp tác xã Tân Thuận Tây (Đồng Tháp) liên kết với công ty Long Uyên để cung ứng – tiêu thụ xoài; họp tác Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) liên kết với công ty rau quả Mê Kông cung ứng tiêu thụ chôm chôm.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hình thức liên kết cung ứng tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phát huy tốt vai trò trong việc xây dựng chuỗi giá trị cho các ngành hàng, đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cho người nông dân. Nhờ đó, tạo động lực để người sản xuất yên tâm đầu tư canh tác, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP, ASC...cũng như thu hút được các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật và đầu mối thị trường tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Ngoài các hợp tác xã, Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có tới hơn 11.700 tổ hợp tác với hơn 260.000 thành viên, trong đó tổ hợp tác trồng trọt chiếm 46%. Đây chính là những nhóm liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, tạo công ăn vệc làm cho thành viên và là những hạt giống để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển số lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong thời gian tới.
Bài 4: Hiệu quả chưa đồng bộ