Tuy nhiên, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hoạt động phát triển kinh tế từ thượng nguồn sông Mê Kông cung như sự bất hợp lý trong cơ cấu kinh tế nội vùng. Để phát huy những thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải có chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bài 1: Những điểm sáng trong chuyển đổi
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100. Theo đó, “Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái, công nghiệp trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…”
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch chuyển đổi tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp của mỗi địa phương, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh nông sản chủ lực, cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo định hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu.
Cụ thể cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, chăn nuôi, giảm lúa. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2018 tăng 3%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Tỷ lệ chế biến tăng cao trong ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra, các nông sản chủ lực xuất khẩu tiếp tục khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ở một số địa phương như: Bến Tre, Kiên giang, Đồng Tháp,.. đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình chuyển đổi hiệu quả.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Bến Tre đã chủ động chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi gắn với các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, Bến Tre đã chuyển hơn 10.000 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.
Cùng với đó, diện tích dừa tăng từ 68.200 ha năm 2015 lên gần 71.000 ha năm 2018; diện tích cây ăn trái từ 27.600 lên 28.200 ha. Đáng chú ý, cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng số lượng và chất lượng đàn bò, đàn bò sữa tăng nhanh; đàn gia súc và gia cầm được duy trì; cơ cấu nuôi và khai thác thủy sản chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn chuyển đổi khoảng 3.500 ha đất mía kém hiệu quả sang trồng dừa.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, trú tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) chia sẻ, nếu gia đình anh không quyết định chuyển đổi hơn 6.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xen bưởi, trồng cỏ nuôi bò, thì cuộc sống gia đình anh sẽ còn khó khăn. Trước đây toàn bộ diện tích đất của gia đình đều canh tác lúa, do vùng đất trũng bị ngập úng cùng với hiện tượng xâm nhập mặn kéo dài nên mỗi năm chỉ trồng được hai vụ lúa với năng suất thấp.
Theo anh Hiệp, để thử nghiệm anh tiến hành chuyển đổi trước 3.000 m2 đất lên liếp trồng dừa xiêm xanh xen bưởi da xanh và trồng cỏ nuôi bò, phần còn lại vẫn sản xuất lúa. Sau đợt hạn mặn năm 2016, diện tích trồng lúa bị mất trắng, nên gia đình anh quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích còn lại để trồng dừa, cỏ nuôi bò.
Hiện nay, diện tích dừa xiêm xanh trồng trước đó đã cho trái ổn định. Buởi da xanh trồng xen cũng đã cho trái, diện tích dừa trồng sau này đang phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình anh Hiệp đã đầu tư bờ bao xung quanh vườn để chủ động nước tưới, tránh nước mặn xâm nhập vào mùa khô. So với trồng lúa thu nhập hiện nay của gia đình ổn định và cao hơn trước đây, trung bình mỗi năm thu nhập từ vườn dừa và chăn nuôi bò của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đánh giá, thời gian qua, cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thủy lợi của địa phương. Tỉnh chủ trương giảm diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng dừa, cây ăn trái và các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.
Là tỉnh ven biển và chịu tác động mạnh từ hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã chủ động khuyến khích nông dân chuyển đổi nhiều diện tích thâm canh lúa sang luân canh tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho thấy, diện tích nuôi tôm - lúa của tỉnh tăng nhanh qua từng năm.
Cụ thể, năm 2014 là 71.500 ha thì đến năm 2018 đã tăng lên trên 89.000 ha, tập trung chủ yếu ở vùng U Minh Thượng (các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) và một phần của huyện ven biển Hòn Đất. Vùng này có diện tích nuôi khá cao, chiếm trên 90% tổng diện tích nuôi tôm - lúa của toàn tỉnh và có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên đối với nghề nuôi tôm, đặc biệt là luân canh nuôi tôm - lúa.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, trước đây nông dân trong tỉnh chỉ tập trung trồng lúa, năng suất trên dưới 3 tấn/ha. Nhưng hiện nay đã chuyển sang mô hình lúa - tôm, năng suất lúa đạt từ 4-5 tấn/ha, nuôi tôm từ 300 - 370 kg/ha, cá biệt có nơi đạt từ 450-500 kg/ha. Năng suất lúa khá tốt mà tỷ lệ rủi ro lại rất thấp. Cùng với đó, lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với độc canh cây lúa, vốn đầu tư ít, nông dân thu về hai nguồn lợi nhuận từ tôm và lúa.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, mô hình một vụ tôm - một vụ lúa giúp giảm thiểu nạn ô nhiễm đồng ruộng, hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh, nhờ đó tôm sinh trưởng phát triển tốt. Thêm nữa, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm cũng là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.
Huyện Hòn Đất nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên gần 104.000 ha; trong đó đất nông nghiệp hơn 84.800 ha, sản lượng lương thực hàng năm ước đạt khoảng 1 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích nằm phía Nam quốc lộ 80 tiếp giáp với bờ biển dài trên 50 km, việc trồng lúa gặp khó khăn do hạn mặn xâm nhập. Trước tình hình này, Hòn Đất đã xây dựng mô hình nuôi tôm và tập trung mô hình nuôi một vụ tôm - một vụ lúa đang cho hiệu quả khá.
Huyện Hòn Đất có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 7.360 ha, riêng diện tích thực hiện mô hình tôm - lúa là 1.245 ha. So sánh thực tế cho thấy mô hình luân canh một vụ tôm - một vụ lúa cho lợi nhuận cao hơn việc canh tác 2 vụ lúa là gần 17 triệu đồng/ha/năm.
Tương tự, An Biên cũng là một trong những huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang, có vành đai rừng phòng hộ ven biển khoảng 1.000 ha và có trên 7.000 ha mặt nước đất bãi bồi ven biển.
Ông Nguyễn Việt Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết, để phát triển sinh kế cho người dân vùng ven biển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện đã tập trung khảo sát khu vực ven biển và ven sông Cái Lớn, đánh giá cụ thể thực trạng đất đai, khả năng đầu tư, nhất là đầu tư bờ bao, ao nuôi, sơ sở vật chất kỹ thuật khác của nông dân, ngư dân… Từ đó, bố trí lại quy hoạch các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp để đảm bảo năng suất, chất lượng ngày càng cao.
Đến nay, An Biên đã bố trí chuyển đổi một phần diện tích lúa 2 vụ kém hiệu quả ở các xã ven biển, ven sông Cái Lớn, một số vùng lân cận sang sản xuất chuyên tôm và các loại thủy sản khác. Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 là nâng diện tích nuôi tôm lên 30.000 ha, trong đó riêng diện tích tôm - lúa là trên 21.000 ha.
Song song đó, huyện đang quản lý cho thuê 4.500 ha mặt nước ven biển để người dân nuôi sò, hến; quy hoạch trồng và quản lý 991 ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó bố trí 500 ha cho người dân nuôi sò xen với tôm – cua dưới tán rừng.
Theo ông Nguyễn Việt Bình, nhờ việc tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây, con, mùa vụ hợp lý, tình hình kinh tế - xã hội vùng ven biển của huyện An Biên đã có sự chuyển biến tích cực. Kinh tế có mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đóng góp đến 75% giá trị sản xuất toàn huyện năm 2018, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt 42 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo từ 37% năm 1986 giảm xuống còn 8,62% cuối năm 2018.
Bài 2: Hình thành các chuỗi liên kết