May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may tương đối dồi dào, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý II, có doanh nghiệp đang đàm phán đơn hàng quý III, quý IV. Năm 2025, dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD. Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần có các giải pháp để “giữ chân” người lao động, bảo đảm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trước đây, do đơn hàng sụt giảm, nhiều công nhân về quê hoặc chuyển sang công việc khác. Hiện tại, doanh nghiệp có đơn hàng tăng trở lại nhưng khó tuyển dụng dẫn đến hiện tượng thiếu càng thêm thiếu. Vấn đề nổi lên hiện nay đó là các doanh nghiệp đang phải đối diện tình trạng thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động biến động cao.
Để giải quyết tình thế trước mắt, doanh nghiệp cần đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề, tăng ca, tăng giờ làm nhằm bảo đảm thực hiện theo kế hoạch xuất hàng cho đối tác. Giải pháp của tập đoàn là liên tục duy trì, thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng với người lao động... Tập đoàn cải thiện môi trường làm việc, chăm lo tốt hơn đến chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là câu chuyện bữa ăn hay văn hóa tinh thần cho người lao động. Các doanh nghiệp trong tập đoàn đang xây dựng hình ảnh nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hơn.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, tổng doanh thu của đơn vị năm 2024 đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 10%; thu nhập bình quân đạt gần 10,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ; lao động cuối kỳ đạt 7.130 người, giảm nhẹ so với năm 2023. Mặc dù lượng đơn hàng hiện có đủ sản xuất hết quý II/2025 và đang đàm phán cho những tháng tiếp theo, thế nhưng, doanh nghiệp đang đối diện tình trạng biến động về lao động, nhất là những dự án tăng quy mô, mở rộng sản xuất như ở Thái Bình, Thanh Hóa...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, muốn ổn định lao động về lâu dài cần phải tạo chỗ ở cũng như đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, thu nhập. Bên cạnh đó, đơn vị xác định phải tự đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ, hướng đến quản trị, quản lý bằng công nghệ số nhằm bảo đảm hiệu suất cao nhất, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm.
Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 - 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 30 năm vững bước khẳng định uy tín và thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đang chuẩn bị những hành trang cốt lõi để nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Mặc dù vậy, ông Cao Hữu Hiếu cũng cho rằng, để tạo chuỗi giá trị dệt may bền vững trong kỷ nguyên mới thì cần triển khai quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp như: Tăng cường năng lực cạnh tranh của Vinatex thông qua việc từng đơn vị cần hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, tăng khả năng cung ứng, sự ổn định về nguồn vốn, phát triển bền vững, tuân thủ các cam kết về môi trường, lao động, từng bước xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Vinatex hướng đến xây dựng sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đối diện với thách thức của thị trường, cũng là điều kiện số một để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò và vị thế ngày càng cao.
Cùng đó, phát triển sản phẩm đột phá, không chỉ dừng lại ở sản xuất truyền thống, doanh nghiệp cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khai phá các thị trường ngách để tạo dựng dấu ấn riêng trong ngành, từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn.
Các doanh nghiệp cũng cần cải thiện năng lực sản xuất vải, đảm bảo giải quyết “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng. Điều này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành may - chính là lĩnh vực có vai trò đầu kéo của cả hệ thống sản xuất.
Đặc biệt, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh cần chuyển dịch ngành may sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Hiện nay, nếu với phương thức gia công, ngành may chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh duy nhất là lao động. Tuy nhiên, lợi thế này đang mất dần khi chi phí nhân công tại Việt Nam hiện nay cao hơn các nước lân cận trong khi năng suất lại không cao hơn.
Vì vậy, cần nghiên cứu rất kỹ thực trạng của ngành may trong Tập đoàn, từ đó đề ra các chiến lược đầu tư bài bản cả về thiết bị công nghệ lẫn nguồn lực con người, nhằm từng bước chuyển dịch phương thức sản xuất kinh doanh từ hình thức gia công sang FOB (được hiểu là mua đứt - bán đoạn. Các doanh nghiệp sẽ là người chủ động làm mọi việc, từ khâu mua nguyên liệu cho đến khi làm ra được sản phẩm cuối cùng), ODM (Nhà sản xuất thiết kế gốc, còn được gọi là ghi nhãn riêng, là một hình thức sản xuất theo hợp đồng)… nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu dệt may...