Doanh nghiệp dệt may tăng tốc sản xuất từ đầu năm 

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 48 tỷ USD. Đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2025.

Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến quý III/2025

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm trước. Với con số này, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Doanh thu hợp nhất năm 2024 của tập đoàn ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023.

Theo lãnh đạo Vinatex, nhiều đơn vị hiện đã có đơn hàng hết quý II/2025, thậm chí đến quý III/2025 và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm. Dự kiến, đơn giá của các đơn hàng dệt may đang cải thiện dần, có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn được cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, năm 2024, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng vượt 11% so với kế hoạch, tăng 10% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 131,5 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch, tăng 7% so với năm 2023.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các khách hàng, nhà nhập khẩu, đối tác của May 10 vẫn làm việc bình thường, do vậy trong những ngày đầu xuân 2025, May 10 đã có những tín hiệu vui, đặc biệt là những đơn hàng của quý II/2025, các khách hàng đã xác nhận đơn hàng, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động đến hết quý II/2025.

Còn với Công ty TNHH Việt Thắng Jean, từ tháng 12/2024 đến nay, công ty liên tục tăng ca để đáp ứng cho đơn hàng Xuân Hè 2025. Với chính sách chấp nhận những đơn hàng nhỏ và mặt hàng thời trang, công ty này đã có đơn hàng đến tháng 6/2025.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Diệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP (các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), các nước ASEAN… hàng dệt may Việt Nam cũng đã khai thác những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đón nhận tín hiệu tăng trưởng khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số (khoảng 10%), tương ứng xuất khẩu 48 tỷ USD. Mặc dù mục tiêu này không hề dễ dàng, song hoàn toàn có thể đạt được nếu các doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

"Nếu không đầu tư hạ tầng cho công nghệ số và tự động hóa trong một số khâu then chốt của dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thời gian sản xuất của các đơn hàng cho toàn cầu. Thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Còn ông Thân Đức Việt khẳng định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, May 10 sẽ tiếp tục mở rộng thị trường cả xuất khẩu và nội địa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản, thị trường châu Á, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ là những thị trường được May 10 tiếp tục có chính sách để phát triển.

Cùng với việc mở rộng thị trường, năm 2025, May 10 sẽ tiếp tục tập trung vào chuyển đổi số trong quản trị và hoàn thành chuyển đổi xanh. Ước tính, năm 2025 May 10 sẽ tiết giảm 20.000 tấn CO2 nhờ chuyển đổi năng lượng thông qua việc sử dụng năng lượng mái nhà phục vụ cho sản xuất và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Còn theo đại diện Vinatex, ngành dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỷ USD, xuất khẩu dệt may Bangladesh có thể phục hồi từ tháng 7/2025. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 có thể đạt khoảng gần 46 tỷ USD, tăng 6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm 2024.

Trong bối cảnh đó, Vinatex đã đưa ra định hướng cho các đơn vị với các yếu tố đầu vào cụ thể như lao động, tiền lương, tỷ giá, lãi suất, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may Việt Nam… Tuy nhiên, để khẳng định vị thế và gia tăng đơn hàng bễn vững trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần tăng cường chuyển đổi số, đầu tư máy móc, thiết bị tự động, tiến tới xanh hóa dệt may, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và có phương án phát triển, mở rộng thị trường mới tại các khu vực Trung Đông, Nam Mỹ...

Thu Trang/Báo Tin tức
'Mỏ vàng' của dệt may Việt Nam
'Mỏ vàng' của dệt may Việt Nam

Đáp ứng nhu cầu lớn của người tiêu dùng lại giúp giảm thiểu nhiều chi phí, kinh doanh trực tuyến đang được cho là phương thức bán hàng phù hợp xu thế hiện nay, đây có thể nói là “mỏ vàng” của dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã thành công đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bứt phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN