“Đợi” nhân công, cà phê Đăk Hà khô quắt

Huyện Đăk Hà là vùng trọng điểm của cà phê trong tỉnh Kon Tum. Hơn 8.000 ha cà phê nơi đây đang vào cao điểm mùa thu hoạch nhưng vì thiếu nhân công thu hái nên đành nằm lại trên cây.

Một số diện tích cà phê quả chuyển sang màu đen vì chín khô trên cây khi gặp mùa nắng hanh Tây Nguyên.

Phơi cà phê sau thu hoạch. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chuẩn bị cho mùa thu hái cà phê năm nay, huyện Đăk Hà đã có kế hoạch thực hiện điều chuyển lao động tham gia thu hái cà phê niên vụ 2016. Theo đó, địa phương đã thành lập tổ hợp tác lao động, mỗi tổ từ 10 - 12 người, lựa chọn những người có ý thức tổ chức, uy tín để bầu làm tổ trưởng, tổ phó quản lý điều hành tổ viên trong suốt thời gian thu hái cà phê. UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị ký kết hợp đồng lao động đối với nhân công từ các xã khác đến. Mặt khác, đối với lao động ngoài huyện chuyển đến chính quyền địa phương có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Lập, Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Đăk Hà đang vào cao điểm thu hoạch cà phê, bà con đang tập trung cao cho việc này. Nhân công thu hái chủ yếu là người trong gia đình và thuê thêm lao động từ các nơi khác đến.  Ngoài lực lượng lao động chính là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương thì người dân Đăk Hà còn được sự hỗ trợ từ lực lượng công an, bộ đội đóng chân trên địa bàn tăng cường giúp dân trong mùa vụ thu hoạch. 

Mặc dù chính quyền đã có phương án điều tiết lao động nhưng năm nay vì nhiều lí do mà lượng nhân công thu hái khan hiếm hơn những năm trước. Hiện tại, một số vườn cây, cà phê quả chín trên cây, khô quắt vì đợi nhân công từ các tổ vần đổi công.

Ông Hoàng Ngọc Lự, tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà cho biết: “Nhớ lại 5 năm trước, lao động từ các tỉnh khác đổ về đây để thu hái cà phê ngồi kín đường, lực lượng công an phải đến để đảm bảo an ninh trật tự. Vậy mà mấy năm trở lại đây, đặc biệt là năm nay kiếm người thu hái cà phê không có, gia đình tôi đành để cà phê chín khô trên cây đợi nhân công hái xong lô bên cạnh rồi nhờ sang hái cho mình. Để khô như vậy sản lượng hao hụt nhiều, tiếc lắm, nhưng không biết phải làm sao.”

Cũng theo ông Lự, những năm trước, nhân công thu hái nhiều nên cứ giao cho họ lô nào là làm lô đó. Nhưng năm nay họ đến xem lô, cây nào ít trái, xấu là họ không hái vì cho rằng mất năng suất lao động hoặc nếu hái thì đòi công cao hơn. Đối với chủ lô cà phê, nếu công thu hái cao như vậy, trừ chi phí thì không còn lãi nên đành phải để quả chín trên cây. Mặt khác, nhân công khan hiếm nên nhiều gia đình chấp nhận trả công cao để thu hoạch nhưng cũng không có lao động đành chờ người thân thu xong lô của họ rồi tập hợp giúp đỡ nhau thu sang lô lân cận. Như đối với hộ của ông Lự thì khi thu hoạch xong một nửa lô nhà mình, đành kéo quân sang lô của anh Đào Anh Linh, là con rể của ông để thu hoạch vì lô cà phê của anh quả chín rộ, khô trên cành rất nhiều.

Đến lô cà phê của anh Nguyễn Thái Hòa, thuộc đội 1, Công ty TNHH MTV cà phê 731 thì được biết toàn bộ người đang thu hái cà phê là người thân trong gia đình, năm nay anh không thuê được lao động vì không có người để thuê và có một số người đòi giá quá cao so với chi phí dự tính của anh.

Mặc dù người dân vẫn thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương là thu hoạch cà phê tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên nhưng một số hộ dân đã thu hoạch trước, chấp nhận chất lượng có giảm đi một chút so với quy định vì nếu để đến rộ mùa thu hoạch sẽ không có nhân công. Chị Nguyễn Thị Mận, thôn 5 xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà chia sẻ: “Rút kinh nghiệm năm trước không có nhân công thu hái, năm nay tôi đã gọi nhân công từ sớm để thu hoạch, chấp nhận lúc đó cà mới chín được 80% nhưng đỡ vất vả vì vào mùa như thế này không tìm đâu ra người để thuê.”

Lý do lao động không lên Tây Nguyên thu hái cà phê nữa theo chị Đinh Thị Thân, đến từ Quảng Ngãi cho biết: “Mấy năm trước đội tôi lên đây cũng ba, bốn chục người, năm nay chỉ còn có 9 người. Vì lên hái cà phê thì phải thuê nhà trọ ở, trừ ăn uống chi phí nữa thì cũng không còn dư bao nhiêu. Nên họ ở nhà làm ruộng hết rồi, không lên nữa.” Năm ngoái giao khoán với giá từ 75 - 80.000 đồng/tạ, năm nay do nhân công thu hái khan hiếm nên số lao động đang thu hái cũng đội giá lên 85 - 90.000 đồng/tạ, công nhật cũng tăng hơn năm trước, khoảng 160.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Hoài Vũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Đăk Hà cho biết: “Tổng diện tích cà phê của thị trấn Đăk Hà khoảng 1.100 ha trong đó có 350 ha thuộc các doanh nghiệp, công ty Nhà Nước còn lại là của các hộ gia đình. Nhân công thu hái cà phê chủ yếu là lao động điều tiết từ các xã Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Hring và thị trấn Đăk Hà và các xã trong huyện Đăk Hà, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền và người dân còn kết hợp với lực lượng công an, bộ đội đóng chân trên địa bàn huyện cùng với một lượng lớn lao động từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ngãi đổ về vào mùa thu hoạch cà phê”.

Cũng theo ông Vũ thì nguyên nhân hụt lượng lao động thu hái cà phê là do những năm trước lao động từ xã Đăk Uy đổ về thị trấn để thu hái cà phê cũng nhiều nhưng năm nay cà phê Đăk Uy đã cho mùa thu hoạch nên người dân ở nhà thu hái, kéo một số lượng lớn nhân công về Đăk Uy nên tạo sự thiếu hụt nhân công cho thị trấn Đăk Hà.

Tình hình thiếu hụt lao động vào mùa thu hoạch đã tiếp diễn vài năm trở lại đây mặc dù chính quyền đã có nhiều phương án hỗ trợ. Làm thế nào để cà phê Đăk Hà không còn chín khô trên cây, đạt năng suất sản lượng cao như mong đợi của người dân vẫn là bài toán cần sớm có lời giải.

Hồng Điệp (TTXVN)
Kết nối doanh nghiệp từ những buổi cà phê
Kết nối doanh nghiệp từ những buổi cà phê

Bắt đầu từ tháng 11/2016, sáng thứ 7 tuần đầu tiên của tháng, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi và các sở, ban, ngành sẽ gặp gỡ, trao đổi, giải quyết một số kiến nghị của doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN